Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1916 tại làng Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp tú tài trường Bonnal xưa, nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng. Năm 1935, ông về Hà Nội sinh sống và làm việc.
Cao Phong là phong thái cao cả, chữ mà Cao Bá Quát dùng ngợi ca Chu Văn An, người thầy tiêu biểu, tấm gương lớn của lịch sử dân tộc. Trân trọng Chu Văn An và ý nghĩa chữ của Cao Bá Quát, ông lấy bút danh đầu tiên là Cao Phong làm động lực thôi thúc học tập, nghiên cứu và cống hiến tâm lực, trí tuệ cho non sông đất nước.
Ông tham gia Cách mạng từ rất sớm, trước năm 1945, từng hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, tuyên huấn, dân vận, chính quyền, quân đội, đối ngoại...
Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi khu Việt Bắc, Tây Bắc. Ông cũng có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong thời gian này, ông cùng làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ...
Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang công tác nghiên cứu. Giáo sư Vũ Khiêu tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học.
Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học.
Trong suốt quá trình giảng dạy, nghiên cứu, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời nhiều tác phẩm quan trọng ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào, các tác phẩm về tư tưởng Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông là người đặt nền móng cho ngành xã hội học và mỹ học Việt Nam.
Đến nay, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Một số tác phẩm có giá trị về văn hóa gồm: Đẹp (năm 1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và nghệ sĩ (năm 1972), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và nghệ thuật (năm 1979), Nguyễn Trãi (1980), Trường Sơn - Máu lửa Vạn đại anh hùng (2009), Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc (2010), Hồ Chí Minh (2012) tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam (năm 2000)...
Sinh ra tại Nam Định, nhưng cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu gắn bó với Hà Nội, ông có nhiều công trình nghiên cứu lớn về Thăng Long - Hà Nội. Ông chủ trì Hội đồng biên tập bộ sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (bốn tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (giai đoạn 1 đã xuất bản 100 bộ sách). Ở tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm ba tập, dày 2.400 trang.
Điểm nổi bật trong sự nghiệp nghiên cứu sáng tác văn học nghệ thuật của Giáo sư Vũ Khiêu không thể không kể đến là hệ thống các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ bài văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng tháng Tám, văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, văn tế Trần Hưng Đạo... cho đến các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh. Ông được đánh giá là người có biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia), một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, về văn hiến dân tộc.
Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…
Giáo sư Vũ Khiêu được nhiều học giả, chính khách trong và ngoài nước đánh giá là một nhà văn hóa, trí thức tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh trong thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, một nhân vật hội tụ nhiều phẩm chất cao đẹp của thời đại: Có tư duy uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng, tâm huyết với sự nghiệp cách mạnh, khát vọng dân tộc chân chính, luôn gần gũi và gắn bó với các tầng lớp nhân dân…Những người đến với Giáo sư dù là chính khách hay bình dân đều được ông đón tiếp nồng hậu với tấm lòng chân thành nhất. Ông luôn tự hào về cuộc sống vật chất có phần thanh đạm nhưng đổi lại có hàng ngàn, hàng vạn bạn bè thân hữu khắp các vùng miền của đất nước, cùng đồng tâm, đồng chí với ông hàng ngày hàng giờ nỗ lực nghiên cứu học tập, lao động, sáng tạo đóng góp công sức, trí tuệ, tinh thần và vật chất cho nền văn hiến Việt trường tồn phát triển mãi mãi. Giáo sư lấy đó làm niềm tin yêu cuộc sống, làm động lực nghiên cứu sáng tạo không ngừng.
Để ghi nhận những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đất nước; sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa Dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Giáo sư Vũ Khiêu nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 (1996); Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2006); “Công dân Thủ đô ưu tú” (2010) và nhiều Bằng khen của các Bộ, ban ngành.