Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - nhà văn hóa, khoa học lão thành, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội đã vĩnh biệt chúng ta vào lúc 12h37 phút ngày 30/9/2021 hưởng thọ 106 tuổi. Đây là một tổn thất lớn đối với giới trí thức khoa học, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa Nước nhà; là niềm tiếc thương không thể bù đắp đối với gia đình, dòng họ, quê hương, bạn bè, đồng nghiệp, bà con lối xóm, các thế hệ học sinh, sinh viên và bạn đọc yêu mến Giáo sư trong và ngoài nước. Sự ra đi của một cây đại thụ trên nhiều lĩnh vực như cụ sẽ để lại một khoảng trống khó có thể khỏa lấp được!
Để tỏ lòng tiếc thương vô hạn, Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Nam Định, các Bộ, ban ngành, địa phương nơi cụ từng công tác và dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam cùng đông đảo đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè gần xa, bà con lối xóm và gia đình tổ chức Tang lễ của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu theo nghi thức cấp cao vào ngày 11/10/2021 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, tên khai sinh là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học và yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Sau khi tốt nghiệp tú tài trường Bonnal xưa, nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Hải Phòng. Năm 1935, cụ về Hà Nội sinh sống và làm việc.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, cụ tham gia vào các hoạt động yêu nước nhằm hưởng ứng phong trào cách mạng dân chủ Đông Dương từ trước năm 1945.
Tháng 3 năm 1945, trong hoàn cảnh đau thương tột cùng của đất nước, khi nạn đói từ chính sách cướp bóc của Thực dân và Phát xít đã lấy đi sinh mệnh của hàng triệu đồng bào ta, cụ đã viết văn tế Truy điệu những lương dân chết đói gieo bao niềm xúc động và tỏ rõ truyền thống nhân văn tự ngàn đời của dân tộc. Đồng thời, cổ vũ tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc để sẵn sàng cho một cuộc khởi nghĩa đòi lại quyền làm chủ đất nước, làm chủ số phận của chính mình.
Nửa năm sau đó, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, cụ đã viết văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng tháng Tám thể hiện sự khâm phục trước những tấm gương anh dũng hy sinh "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!" của các anh hùng, liệt sĩ Cách mạng tháng Tám, đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tình sâu nghĩa nặng gia đình.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), cụ được Đảng và Bác Hồ giao hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, tuyên huấn, dân vận, chính quyền, quân đội, đối ngoại...
Từ tháng 1/1949 đến tháng 4/1950, cụ là Giám đốc Sở thông tin Liên khu 10, Ủy viên Ban Tuyên truyền của Đảng trước khi được bổ nhiệm các chức vụ Phó Giám đốc sở Thông tin Việt Bắc kiêm Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Việt Bắc, rồi Giám đốc Sở Tuyên truyền Văn nghệ Tây Bắc, phó Ban Tuyên huấn kiêm tổ chức của Khu ủy Tây Bắc, Phó ban Chính đảng Khu Tây Bắc. Cụ cũng có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong gian đoạn này, cụ được làm việc gần gũi với Bác Hồ và nhiều trí thức tiêu biểu như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ...
Hòa bình lập lại, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tổ chức giao cụ giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) từ năm 1956 đến năm 1957, giảng viên triết học Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Năm 1959, cụ là tổ trưởng tổ Triết học, kiêm Ủy viên thư ký khoa học Ban Khoa học xã hội (tiền thân của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Từ tháng 5/1960 đến tháng 6/1961, Giáo sư Vũ Khiêu là Trưởng đoàn đại biểu của Ủy ban Khoa học Nhà nước đi nghiên cứu tại Hungary.
Năm 1967, Giáo sư là Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Ban Khoa giáo Trung ương.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước năm 1975, trước yêu cầu xây dựng nền khoa học xã hội chủ nghĩa ở phía Nam, cụ được tổ chức phân công là phó Viện trưởng thứ nhất Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh. Cụ đã tập hợp được trí thức hai miền Nam Bắc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sau khi Tổ quốc thống nhất.
Từ tháng 10/1977, cụ được tín nhiệm và giao trọng trách Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), sau đó kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học và Tổng biên tập Tạp chí Xã hội học giai đoạn 1984 -1987.
Cụ được phong học hàm Giáo sư Triết học đợt đầu năm 1980. Từ năm 1987 - 1999, cụ là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia.
Với hơn 60 năm công tác trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có 40 năm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, dù ở cương vị nào, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tích cực lao động và cống hiến không biết mệt mỏi và là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ noi theo.
Cụ đã để lại hàng trăm tác phẩm và công trình nhiên cứu có giá trị về khoa học và thực tiễn, nhiều tác phẩm công trình có tính chất tổng kết và định hướng chiến lược cho các giai đoạn tiếp theo của cách mạng như: Tư tưởng Hồ Chí Minh và Con đường cách mạng Việt Nam, vai trò của người trí thức trong các giai đoạn lịch sử…
Giáo sư là tác giả của hơn 40 cuốn sách, tham gia chủ biên, biên soạn và đồng tác giả trên 100 cuốn sách khác thuộc nhiều lĩnh vực như Triết học, Đạo đức học, Mỹ học, Xã hội học, Tôn giáo, Văn hóa, Nghệ thuật… Đây là những công trình tiêu biểu của Khoa học xã hội Việt Nam đương đại. Giáo sư đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, đào tạo nhiều thế hệ học trò, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân góp phần cho sự phát triển nguồn nhân lực Khoa học xã hội ở Việt Nam.
Từ năm 2000 đến những ngày cuối đời, Giáo sư Vũ Khiêu tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học lớn của đất nước có tính tổng kết và thực hiện nhiều đề tài chuyên sâu nhằm giải quyết những yêu cầu xuất phát từ thực tiễn và phát huy sở trường của Giáo sư.
Năm 2002, cụ đã biên soạn bộ công trình “Bàn về Văn hiến Việt Nam” dày hơn 1000 trang, giải mã cội nguồn và tiến trình phát triển nền văn hiến Việt Nam từ lịch sử đến hiện đại. Cụ đã nghiên cứu và sáng tác hệ thống các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Tiêu biểu như: Văn tế tế Giỗ tổ Hùng Vương, văn tế Trần Hưng Đạo, văn tế Phù đổng Thiên Vương, Văn bia tưởng niệm Liệt sĩ ngành giáo dục, văn bia tưởng niệm nghĩa trang Trường Sơn, văn bia tưởng niệm 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc…Cho đến các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh. Cụ được biết đến là người có biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu, một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, về văn hiến dân tộc.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, Giáo sư Vũ Khiêu cũng có nhiều công trình nghiên cứu lớn về Thăng Long - Hà Nội và các công trình gắn với nhiều địa phương trong cả nước. Cụ chủ trì Hội đồng biên tập bộ sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (4 tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (giai đoạn 1 đã xuất bản 100 bộ sách). Ở tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm ba tập, dày 2.400 trang.
Về hoạt động đối ngoại, cụ đã có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước XHCN; giúp ngành Bộ Ngoại giao điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học Thế giới mời làm cố vấn của Hội. Đặc biệt, cụ có nhiều công lao trong truyền bá văn hóa và thúc đẩy ngoại giao nhân nhân giữa Việt Nam với Hungary, Bungary, Pháp, Bỉ…
Đối với quê hương Nam Định, Giáo sư Vũ Khiêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng những việc làm thiết thực nhằm khởi dậy truyền thống văn hiến anh hùng của đất Thành Nam, nhất là các hoạt động văn hóa và giáo dục. Cụ là niềm tự hào của người dân Nam Định nói chung, quê hương Hành Thiện nói riêng.
Trong cộng đồng dòng tộc Vũ (Võ) Việt Nam, Giáo sư Vũ Khiêu là một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, sẻ chia, tương thân tương ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn. một tấm gương lao động sáng tạo không ngưng nghỉ, có lối sống lành mạnh, một biểu tượng văn hóa của dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam. Cụ được dòng tộc tôn vinh là Chủ tịch danh dự của dòng họ nhiều khóa và thực sự cụ đã trở thành chỗ dựa tinh thần to lớn cho con cháu dòng vọ Vũ (Võ) trên toàn quốc đoàn kết, phát triển và đồng hành cùng dân tộc.
Noi gương Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, các con các cháu các chắt của cụ đều học hành thành đạt, trở thành những cán bộ Đảng viên, nhà khoa học, trí thức trẻ đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước.
Không chỉ là nhà văn hóa và nhà khoa học lớn, với bạn bè, Giáo sư Vũ Khiêu là người quảng giao, lịch thiệp, quan hệ rộng khắp với mọi tầng lớp xã hội. Cụ sống gần gũi, đồng cảm và sẻ chia chân thành với nhân dân, không phân biệt quyền thế sang hèn. Dù là chính khách hay thường dân đến với cụ, cụ đều trân trọng là những người bạn thân thiến. Đến nay, đã có hàng vạn người dân, bạn bè bằng hữu trong và ngoài nước vinh dự được Giáo sư Vũ Khiêu viết tặng câu đối tặng làm kỷ niệm, lưu lại những tình cảm tốt đẹp, những lời khuyên dạy, tâm tình của cụ.
Để ghi nhận những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đất nước; sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa Dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng nhất (1961); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất (1984); Huân chương Lao động hạng nhất (1992); Huân chương Độc lập hạng nhì (1993); Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật (1996); Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới (2000); Huân chương Độc lập hạng nhất (2006); Công dân Thủ đô ưu tú năm 2010; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2017) và nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của các Bộ, ban ngành.
Với những đóng góp cho văn hóa và ngoại giao quốc tế, cụ đã được tặng Huân chương Chữ thập Hiệp sỹ - phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary, vào năm 2015.
Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất với cụ chính là được thỏa lòng viên mãn khi sống, chiến đấu, học tập và lao động hết mình cho độc lập tự cường của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với 106 tuổi đời, 74 tuổi Đảng, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu được đánh giá là một nhân sĩ, trí thức, nhà văn hóa tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh, một hiền tài sống động, trí tuệ uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái. Cụ đã để lại cho đời những công trình đồ sộ về triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội và lịch sử góp phần chấn hưng Văn hóa, khơi dậy Chủ nghĩa anh hùng, cách mạng và niềm tự hào Dân tộc. Cụ có đóng góp lớn trong việc hình thành và phát triển ngành Triết học, Xã hội học, Mỹ học, Việt Nam học, cũng như tổng kết Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của cụ là một tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện và lao động tận hiến suốt đời theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Bác Hồ.
Vĩnh biệt cụ Đặng Vũ Khiêu, một hiền tài đất Việt còn sống mãi trong lòng dân, một Giáo sư hiền triết thông tuệ Đông Tây Kim Cổ; một Anh hùng bền bỉ lao động tận hiến đến giây phút cuối cùng; một Nghệ sĩ tài hoa luôn bao dung giữa đời thường với muôn tình bạn, đặc biệt với những người vinh dự được gần gũi giúp việc cụ bao năm, cùng con cháu, dòng tộc và quê hương nghĩa nặng tình sâu, thì chúng tôi còn tự hào về Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu, một người chồng, người cha, người ông, người cụ, người thầy mẫu mực, đức độ, thủy chung, giàu lòng nhân ái, đức hy sinh, luôn gần gũi, bao dung và quan tâm chia sẻ...!
BAN TỔ CHỨC LỄ TANG CẤP CAO GS. AHLĐ VŨ KHIÊU 1. Đồng chí Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Trưởng ban; 2. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - Phó Trưởng ban; 3. Đồng chí Đinh Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó trưởng ban; 4. Đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Phó Trưởng ban; 5. Đồng chí Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Phó Trưởng ban; 6. Đồng chí Phan Thế Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định - Ủy viên; 7. Đồng chí Đặng Vũ Cảnh Khanh, Đại diện gia đình, dòng họ - Ủy viên; 8. Đồng chí Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Ủy viên; 9. Đồng chí Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lân KHXH Việt Nam - Ủy viên; 10. Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Ủy viên; 11. Đồng chí Phùng Ngọc Tấn, Q. Trưởng ban Ban Tổ chức - cán bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Ủy viên; 12. Đồng chí Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học - Ủy viên; 13. Đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện xã hội học - Ủy viên; 14. Đồng chí Nguyễn Đình Phúc, Chánh Văn phòng Viện hàn lâm KHXH Việt Nam - Ủy viên; 15. Đồng chí Phạm Minh Phúc - Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Ủy viên. |