Đêm trắng

30/07/2022 18:12

Đó là đêm ngày 22 tháng 04 năm 2009. Một đêm dài nhất trong cuộc đời của tôi.

Một đêm tôi đã thức trắng để suy nghĩ và cảm nhận về những tình cảm vừa gần gũi thân thương vừa thiêng liêng mà tôi vinh dự có được trong cuộc đời này từ một con người đáng kính. Ông đã tin tưởng trao cho tôi cô con gái thứ hai của mình và đã trao cho tôi cả niềm tin và sức sống để tôi vững bước đi trong cuộc đời dẫu còn nhiều gian khó. Ông là Trần Ngọc Bích, người bố vợ kính yêu và chúng tôi thường gọi một cách thân mật và gần gũi bằng hai tiếng: Bố Bích!

Như thường lệ, chiều ngày 22 tháng 4 năm 2009, tôi và cu Bin (Trần Quyết) đang cười cười, nói nói với bố Bích qua điện thoại khoảng 30 phút. Bố rất vui vì chiều này cu Bin lần đầu tiên đã biết bập bẹ gọi ông ngoại bằng hai tiếng "ông Bích"...

Thế nhưng, vào 7 giờ tối ngày hôm đó, chúng tôi nhận được tin và vội vã về quê. Bốn anh chị em không ai nói với ai được lời nào. Tôi ôm con ngủ trên tay và bắt đầu mơ màng về những ngày ngắn ngủi nhưng thật êm đềm bên bố Bích.

Nhớ lại ngày 05 tháng 11 năm 2006, từ chuyến công tác mới về, tôi hỏi Minh Châu: "Nếu em bằng lòng suốt đời này yêu anh thì hãy cho anh cơ hội về Hà Tĩnh ra mắt hai bác". Minh Châu đắn đo một lúc rồi lấy điện thoại ra gọi cho mẹ mình: "Con mới quen một anh quê ở Hà Tây sinh năm 1980, anh ất muốn về thăm gia đình mình, ý mẹ răng?". Được mẹ đồng ý, chúng tôi đã bắt chuyến tàu muộn từ Hà Nội đi Thành phố Vinh. Về tới Thành phố Vinh vào lúc hơn 1 giờ sáng, chúng tôi phải vào bến xe khách Thành phố Vinh đợi đến gần tờ mờ sáng mới có một chuyến xe chạy từ Vinh lên Hương Khê. Trai qua hơn 100km đường gậpghềnh từ Vinh lên thị trấn Hương Khê, chúng tôi phải ngồi trên chuyến xe cũ kỹ chở toàn su hào, bắp cải, dưa chuột ...Chúng tôi đặt chân lên đất Hương Khê vào khoảng hơn 8 giờ sáng hôm sau.

Tới đất Hương Khê, tôi rất bồi hồi và tưởng tượng ra cảnh bố của Minh Châu mặc bộ quần áo thổ cẩm, sống đạm bạc trong một căn nhà sàn đơn sơ đầy thơ mộng với tình tình bộc trực hếu khách như những đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sống dọc dải Trường Sơn hùng vĩ mà tôi đã gặp trong chuyến công tác năm 2002 tại Đắc Krông, Quảng Trị. Có lúc tôi lại hình dung ra bố của Minh Châu trong bộ quân phục của sỹ quan quân đội trang nghiêm với vẻ mặt lạnh lùng khó gần. Tôi đang chìm trong những suy nghĩ mông lung đó với bao lo lắng phải tìm ra cách thể hiện sao cho “ăn điểm” tuyệt đối trước phụ huynh của Minh Châu ngay từ lần ra mắt đầu tiên, thì Minh Châu vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: “Kia là ngã ba, đúng chỗ ông xe ôm thì xuống xe”. Xe dừng lại gần mũi chiếc xe máy của ông xe ôm, tôi thản nhiên cầm tay Minh Châu dẫn xuống bậc xe một cách tự nhiên như chốn không người. Vừa đặt chân xuống đất, nhìn thấy ông xe ôm Minh Châu reo lên thật to: “Bố ơi! Con Châu đây, anh ấy đây”. Tôi bối rối đỏ mặt chưa kịp chào hỏi thế nào thì từ xa “ông xe ôm” vội chạy thẳng tới ôm cả tôi và Minh Châu vào lòng vui cười khà khà thật to: “Bố chào hai con, bố đợi hai con gần 30 phút rồi”. Một cảm giác gần gũi, tự nhiên với bố Bích như lâu ngày gặp lại một người thân thiết trong chính gia đình mình. Có lẽ, đó là ấn tượng tốt đẹp ban đầu giúp tôi càng ngày càng tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu chân thành của mình gửi gắm nơi Minh Châu.

Từ trong sâu thẳm của lòng mình, tôi đã gọi bố của Minh Châu bằng “bố Bích” ngay từ ngày đầu gặp gỡ mà không thấy ngại ngùng một chút nào. Tôi sớm cảm nhận được ở ông một con người chất phác, đôn hậu, giản dị và hết mực thương yêu con cái- một hình mẫu về những người thầy mà bấy lâu nay tôi hằng mong ước được gặp gỡ.

Ngày 12 tháng 11 năm 2006, tôi trở lại đất Hương Khê lần thứ hai cùng gia đình vào chạm ngõ để đặt duyên ước trăm năm giữa tôi và Minh Châu. Bố Bích đã ra tận ga Hương Phố vào buổi chiều nhá nhem tối để đón gia đình tôi về nhà vẫn với một nụ ười rất tươi và cử chỉ thân thiết như thế. Sau bữa tối hôm đó, bố Bích ngủ cùng tôi trên chiếc phản kê ở sát gó nhà, vừa ôm tôi vào lòng bố vừa nói: “Bố đặt tên con gái thứ hai của bố là Minh Châu với mong muốn nó sẽ như viên ngọc được giữ gìn, nâng niu và luôn tỏa sáng. Châu là đứa ương bướng đấy, tính tình cương trực nhưng sống có nội tâm…” Trong lòng tôi, lúc đó vô cùng sung sướng vì tôi được nghe những lời tâm sự chân thành nhất từ đáy lòng người bố vợ tương lai của mình.

Ngày 23 tháng 01 năm 2007, gia đình tôi mang lễ vật vào đón Minh Châu ra Hà Nội làm hôn lễ chính thức. Trong suốt bữa tiệc mừng đám cưới của chúng tôi tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bố Bích không lúc nào ngớt nụ cười trên môi vì quá vui mừng. Chúng tôi nhận ra một điều thật sâu sắc rằng: tấm lòng người làm cha làm mẹ vui mừng biết bao trước những điều hạnh phúc và thành đạt của con cái. Vì thế, chúng tôi ngyện sẽ cùng nhau san sẻ những khó khăn, không ngừng vươn lên trong mọi hoàn cảnh để bố mẹ vui lòng.

Nhớ nhất ngày 08 tháng 08 năm 2007, biết con gái của mình đang trong cơn vượt cạn, trở dạ tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội nhưng vì cơn lũ lớn lịch sử ngập nhà cửa nên bố chưa ra được kịp. Bố gọi điện ra liên tục để hỏi tình hình con và cháu. Và đến 23 giờ 47 phút ngày hôm đó, tôi gọi điện về báo tin Minh Châu đã sinh một bé trai nặng hơn 3kg, bố Bích đã hô to, niềm vui vỡ òa thành tiếng khóc vì quá sung sướng. "Con rể của bố cừ thật! chúc mừng các con, đợi ngày mai con lũ xuống bố sẽ ra thăm cháu và các con nhé!". Kể từ khi có cháu, bố như trẻ lại vì niềm vui trở thành ông ngoại.

Nhớ ngày 10 tháng 10 năm 2007, tôi thi đậu cao học, người động viên tôi đầu tiên cũng là bố Bích. Lòng tự hào của bố về tất cả các con, không phân biệt con gái hay con rể mới thấy hết tấm lòng của bố.

Nhớ ngày 08 tháng 12 năm 2007, tôi được kết nạp Đảng. Đối với nhiều người thì đây là cái mốc chẳng quan trọng lắm nhưng với bố Bích thì đây là một sự kiện đặc biệt. Từ điện thoại vẫn giọng tươi cười sang sảng, bố nói: "Từ nay bố con mình còn là tình đồng chí nữa, bố tin có nhiều chuyện bố con có thể chia sẻ đuợc với nhau chân thành những những người đồng chí với nhau". Và kể từ khi đó, nhiều chuyện bố Bích đã trao đổi với chúng tôi như những người đồng chí thân thiết của mình ở cơ quan.

Đầu năm 2008, chúng tôi mua nhà ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, bố Bích đón xe từ Hà Tĩnh ra thăm. Vừa vào tới nhà, bố đã đi vòng quanh nhà một lượt rồi gọi điện ngay về báo tin cho mẹ Lành vừa cười nói sung sướng trong niềm tự hào khôn xiết: "Bọn này oách thật, nhà đẹp lắm! Vậy là ước mơ của chúng mình boa năm, nay con cái đã thực hiện được rồi". Tôi ngần ngại cầm tiền bố Bích và mẹ Lành gửi ra, bố nói: "Bố mẹ tiết kiệm bao năm lao động vất vả cốt là để giúp các con phần nào khi khó khăn. Con cứ cầm lấy, sau này nếu các con có điều kiện sẽ giúp em ít thế là bố mẹ mừng lắm rồi". Khi bố nói xong tôi không cầm được lòng xúc động và thầm hứa mình sẽ cố gắng lao động thật tốt để có ngày dư dật bù đắp lại phần nào sự giúp đỡ của bố mẹ đối với con cái trong những lúc khó khăn này.

Ngày mồng 08 tháng 04 năm 2008, bố Bích từ Hà Tĩnh ra dự ngày giỗ của mẹ đẻ tôi ở Hà Tây. Trên đường về quê tôi, bố bị ngã xe rất đau nhưng vẫn cố tỏ ra không có chuyện gì xảy ra để mọi người không phải lo lắng về bố. Đây là tính cách rất riêng của bố. Mỗi lần bố ra Hà Nội thăm con cháu, không bao giờ bố để các con phải đưa đón mà bố luôn chủ động tự lo liệu việc đi lại. Ngay cả về tình hình sức khỏe của bố cũng vậy. Biết bố bị bệnh tim, anh chị Đại Giang đã nhiều lần nhờ bác sỹ thăm khám và thường xuyên nhắc nhở bố giữ gìn sức khỏe. Nhưng mỗi lần đề cập đến việc này bố đều nói "không can chi". Biết tính bố can tru0owngf là vậy nên tôi chẳng dám khuyên can chi nhiều mà chỉ dám mua vài cuốn sách hướng dẫn cách ăn uống của người bị bệnh tim mạch và viết vài lời nhắn nhủ gửi về tặng bố mà thôi.

Tết Kỷ Sửu năm 2009, bố dẫn tôi lên thăm khu mộ của dòng họ Trần tại gia Phố và trăn trở: "Bố bây giờ chỉ có một nguyện vọng là làm sao tìm được chính xác mộ của các cụ nhà mình. Ngoài rằm tháng giêng tới, bố sẽ ra Hà Nội một chuyến xem sao. Nếu các cụ có linh thiêng thì phù hộ để bố con ra tìm thấy mộ của các cụ...". Đó là những nguyện cầu mà lần đầu tiên tôi nghe được từ một người luôn theo chủ nghĩa duy vật như bố.

Đúng như bố đã nói, ngày 15 tháng 12 năm 2009, bố Bích đã ra Hà Nội và tìm đến nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng để hóa giải mọi việc còn nghi ngờ. Nhưng kết quả không được như mong muốn, nhà ngoại cảm nói quá chung chung không có một căn cứ nào cụ thể về manh mối để tìm kiếm.

Hôm đó, sau khi xong việc, tôi và anh chị Đại Giang đã cùng ăn trưa với bố ở một quán cháo lươn Nghệ An trên dốc Bưởi. Bốn bố con vừa ăn vừa bàn luận về việc đúng sai từ lời khuyên của thầy Phụng. Ăn xong, chia tay anh chị, bố Bích cùng tôi trở về Dương nội vui cười bất tận với cháu Bin. Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, tôi chở bố ra ga Hà Nội. Trong khi đợi giờ tàu, tôi muốn mời bố đi uống một cốc bia tươi hoặc đi uống một tách cà phê nhưng bố nhất định từ chối hết vì lý do những thứ ấy ở đây quá đắt đỏ. Bố kéo tôi vào một quán nước bên vỉa hè và gọi hai cốc trà đá. Trước lúc chia tay, bố Bích đã vỗ nhẹ vào vai tôi và nói: "Sống ở trên đời, không nên quá cầu toàn con ạ, phải biết chấp nhận sự thật, dầu có méo mó cũng vẫn là sự thật, cái gì tròn trịa quá thì rất dễ bị vo mất khỏi cuộc đời này".

Thực sự lúc đó tôi chưa nhận ra ẩn ý gì sâu xa từ lời dạy chân thành của bố. Có ai ngờ đâu đó là câu nói cuối cùng bố trực tiếp nhắc nhở chúng tôi phải biết bằng lòng và trân trọng tất cả những gì là thành quả của quá trình lao động chân chính mà đạt được. Có ai ngờ đâu! Bữa cháo lươn ngắn ngủi hôm đó lại là bữa ăn đoàn tụ cuối cùng của chúng tôi với bố. Có ai ngờ đâu! Đây là lần cuối cùng bố ra thăm thủ đô để ra đi mãi mãu. Những lời tiếc nuối cứ tràn ngập trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi tiếc rằng bố luôn tự hào về sự thành đạt của mỗi chúng tôi mà chúng tôi chưa một lần mời được bố đi ăn một bữa cơm sang trọng tại nhà hàng. Và còn tiếc nuối cho bao nhiêu cơ hội và dự định tốt đẹp mà chúng tôi chưa kịp làm để dành riêng tặng bố!

Chiếc xe taxi đêm hôm đó mỗi phút một tiến gần hơn với mảnh đất Hà Tĩnh. Khi về tới Hương Khê, trời đã tảng sáng. Mảnh đất này đã từng in đậm những dấu ấn của bố, mẹ và anh chị em trong gia đình vợ tôi qua năm tháng... Riêng với tôi, những kỉ niệm nơi đây quá ít ỏi, chỉ với vẻn vẹn 898 ngày với 9 lần về thăm quê vợ thì đây là lần đầu tiên tôi thấy ngôi nhà trống vắng, cửa ngõ im ắng, thiếu vắng hình bóng, giọng nói tiếng cười ấm cúng, hiền hậu của bố Bích đon đả ra mở cửa để đón tôi vào nhà như mọi lần.

Tôi thấy hụt hẫng vô cùng!

Một năm đã trôi qua kể từ đêm trắng kinh hoàng đó, nỗi nhớ về người bố kính yêu của chúng tôi không bao giờ vơi đi mà ngược lại những kí ức, những kỷ niệm bên bố kính yêu luôn hiện hữu ngày một rõ hơn trong tâm hồn chúng tôi như thể bố vẫn hàng ngày sống bên chúng tôi vậy.

Sau đêm ấy, tất cả anh chị em chúng tôi cùng những người thân yêu của bố đã sống với nhau thân thiết hơn. Riêng với chúng tôi, những người con thân yêu của bố luôn tự hào tất cả những gì thuộc về bố, nguyện đoàn kết sát cánh bên nhau cùng bước đường bố đa lựa chọn và hoàn thành những tâm nguyện của bố còn dang dở. Rồi mai sau sẽ có những dòng họ mới như Võ Trần, Vương Xuân Trần hay Nguyễn Trần... gắn với những tên tuổi và sự thành đạt của cháu chắt muôn đời mang trong mình dòng máu và trí tuệ của bố Bích kính yêu.

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Đêm trắng" tại chuyên mục Việt Nam - Đất nước - Con người. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).