Trầu bà đột biến tiền tỷ là giá ảo?
Anh Bùi Tá Tùng, chủ cửa hàng cây cảnh ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, cây trầu bà Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam từ lâu nhưng được chơi nhiều trong 2 năm trở lại đây. Loại cây này đa dạng về chủng loại, giá dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng và chủ yếu được giao dịch ở khu vực phía Nam.
Theo anh Hồ Sỹ Bằng, chủ cửa hàng “Vườn cây decor” ở quận 9, Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), trầu bà Nam Mỹ có thể định giá theo các tiêu chí như kích thước của cây, kiểu đột biến và chủng loại cây.
Đặc biệt, dòng monstera đột biến có giá 200 - 500 triệu đồng, thậm chí lên tới cả tỷ đồng. Dấu hiệu “đột biến” ở đây được xác định bởi những đốm trắng hoặc vàng trên lá, dạng lỗ hoặc khía. Cây càng nhiều lá thì giá càng cao. Ví dụ, dòng đột biến như mint được định giá 1,6 - 2 tỷ đồng cho cây trưởng thành 6 lá.
Điều đáng nói là đa phần các cuộc mua bán loại cây này đều diễn ra trên mạng xã hội (facebook). Ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh TP. Hà Nội cho rằng, giao dịch như vậy tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo rất cao. Hình thức này kích thích người mua đua trả giá cao, không khác nào "thổi giá" dẫn đến mức giá cuối cùng không phản ánh đúng giá trị thật. Bên cạnh đó, thông qua tài khoản trên mạng xã hội không thể biết giao dịch có thực tế hay không, có thể đó chỉ là giá ảo, giao dịch ảo của những gian thương làm lũng đoạn thị trường.
Theo ông Nguyên, với những dòng trầu bà Nam Mỹ đột biến, giá có thể cao hơn dòng thông thường vì độ hiếm nhưng cao nhất cũng chỉ đến một vài chục triệu đồng/cây, giá lên đến tiền tỷ có thể là giá ảo.
Phải làm rõ cây có đột biến không!
Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh Hà Thị Loan cho biết, cây trầu bà Nam Mỹ xuất hiện ở nhiều quốc gia và chỉ có giá trị về sưu tầm cây cảnh và phong thủy ở một số nơi.
Đáng lưu ý, giống như lan, cây trầu bà Nam Mỹ khi được gán thêm mác “đột biến” đã đẩy giá lên cao quá mức, nhưng cây có đột biến thật không thì không có cơ quan nào kiểm chứng, cũng không có căn cứ nào để nói có phải là đột biến không. Do đó, nhiều người lợi dụng sự khác lạ giữa các cây để đẩy giá cao.
Nhắc lại bài học về lan đột biến cách đây không lâu, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cảnh báo cây trầu bà Nam Mỹ có thể rơi vào tình cảnh tương tự. "Thông tin mập mờ ở cả người bán và người mua, giá trị thực của các dòng cây này không được làm rõ. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý sẽ dẫn tới chuyện "hoa lan đột biến phiên bản 2", tái diễn những hành vi lợi dụng, lừa đảo, gom tiền và chạy trốn".
Để tránh tình trạng này, ông Thủy cho rằng, các bộ, ngành phải vào cuộc làm rõ các giống cây đó có thực sự là đột biến không, đột biến ở nhóm gene nào, gene đó được bảo tồn bao nhiêu năm và biến thể ra sao? Phải nêu rõ giá trị thực của cây đó đến đâu để người tiêu dùng nắm được. Ông Thủy nhấn mạnh, dứt khoát phải làm rõ xuất xứ nguồn gốc, tiếp đến phải kiểm dịch trên các cây trồng nhập khẩu.
Theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh TP. Hà Nội, không riêng hoa lan hay cây trầu bà Nam Mỹ, mà bất kỳ mặt hàng nào cũng có khả năng xuất hiện các chiêu trò lừa đảo, thổi giá. Vì vậy người mua cần tìm hiểu thật kỹ, chú trọng đến giá trị thật của sản phẩm, không nên chạy theo thị trường hay đầu tư theo tâm lý đám đông.