Chuyển đổi số giải phóng tiềm năng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bền vững

24/08/2022 00:37

Để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, ngày 19/8/2022, Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng. Tại buổi lễ, các đại biểu đã khẳng định những lợi ích thiết thực của chuyển đổi số, đề xuất các giải pháp, bước đi và lộ trình thực hiện hiệu quả để chuyển đổi số là cuộc cách mạng thay đổi toàn diện nền nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta.

035bb827-e511-4905-b710-7f2354279409-1660923462.jpeg

Lễ phát động chuyển đổi số Nông nghiệp 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp được hiểu theo nghĩa chung nhất là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Những lợi ích thiết thực

Lợi ích của chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Nông nghiệp là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Với sự gia tăng nhiệt độ và thời tiết cực đoan đã và đang tác động trực tiếp đến tất cả lĩnh vực ngành nông nghiệp, như: giảm diện tích đất, giảm lưu lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; gia tăng cường độ các cơn bão, nước biển dâng và dịch bệnh; giảm đa dạng sinh học … Hệ quả tất yếu là làm giảm năng suất, chất lượng, thậm chí thất thu trong nông nghiệp.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), Data Analytics (phân tích dữ liệu) vào quản lý rủi ro sẽ giúp cảnh báo sớm, từ đó, các cấp, ngành, người nông dân sẽ có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế được rủi ro do biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Đồng thời, chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Dựa trên những dữ liệu được cung cấp, người sản xuất sẽ đưa ra những quyết định phù hợp (bón phân, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch …), nhờ đó, giảm được chi phí, giảm ô nhiễm nguồn nước và đất đai, bảo vệ được sự đa dạng sinh học. Các thống kê cho thấy, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp đã giảm được 1/2 chi phí và công lao động, giảm 50% khí thải nhà kính, tăng năng suất lên 30%, nhờ đó, tăng thu nhập cho nông dân. 

Việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian thực và yên tâm về chất lượng nông sản. Ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

Một lợi ích không thể không nhắc tới là việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp cho việc quản lý, điều hành ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng hiệu quả hơn. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào trong điều hành, quản lý sẽ giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, làm tăng hiệu lực quản lý và hiệu quả điều hành. 

Đối với doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, công nghệ số còn giúp tăng hiệu quả điều hành, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Vì vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là tạo dựng môi trường, sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” mà mục đích cuối cùng là nhằm phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Mục tiêu và giải pháp

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định, nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, với định hướng rõ chuyển đổi số của ngành. Cụ thể: (i) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; (ii) Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu (đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản). Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; (iii) Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; …đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp; (iv) Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý thu hoạch.

06ed1f6e-48a8-446b-bd19-222637f93946-1660925395.jpeg

Chuyển đổi số giúp quá trình sản xuất minh bạch thông tin

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã triển khai xây dựng hệ thống nền tảng số của ngành, nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”. Năm 2022, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, “thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn" là một trong các giải pháp cốt lõi để thực hiện các nhiệm vụ của ngành.

Với mục tiêu triển triển khai chuyển đổi số nông nghiệp nhanh, đồng bộ và hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Trong đó, 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt được coi là lĩnh vực tiên phong về chuyển đổi số.

Phát biểu tại Lễ phát động Chuyển đổi số Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp là thay đổi một thói quen và nhận thức chưa thống nhất. Nhận thức và thói quen chính là động lực để thực hiện chuyển đổi số và có thể tiếp cận đúng vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh những yếu tố trong quá trình chuyển đổi số Nông nghiệp và phát triển nông thôn là: Thay đổi tư duy, đổi mới phương thức, cập nhật kỹ năng và nâng tầm văn hoá. Trong đó, thay đổi tư duy chuyển đổi số trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành một cách mạng mẽ để lan tỏa rộng rãi tinh thần chuyển đổi số tới cộng đồng. Coi chuyển đổi số là phương tiện để tìm ra giá trị của sự thay đổi. Thay đổi từ tư duy mệnh lệnh hành chính “phải làm thế này, phải làm thế kia” sang lối tư duy mở, tư duy ngược lại “nếu không làm thì điều gì sẽ xảy ra” để tìm ra động lực và thấy được sự cần thiết của vấn đề.

Đặt vấn đề xây dựng thương hiệu nhằm xóa đi một ngành nông nghiệp mù mờ về người mua người bán, chất lượng, xuất xứ, bằng công nghệ số, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví thương hiệu là "cái hiệu mà người ta thương". Mà muốn thương thì phải biết rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng, đặc điểm nhận diện, uy tín và minh bạch. Đặc biệt cần phải có kiến thức về văn hoá kinh doanh, nghệ thuật bán hàng, Marketing sản phẩm. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ, khi nông sản của nước khác đã nằm trên những kệ hàng sang trọng thì rất khó để nông sản Việt có thể leo lên đó cạnh tranh. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi sau sẽ giúp Việt Nam học hỏi từ các mô hình thành công đi trước.

Đối với ngành trồng trọt, những số liệu cho thấy trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 2,7%, trong khi tỷ trọng trồng trọt chiếm 44,6% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản năm 2021 đạt trên 21 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.

Hiện nay ở nhiều địa phương đã cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản như: Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La…

Tại buổi lễ, các chuyên gia khẳng định, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt sẽ góp phần tăng năng suất chất lượng và giá trị gia tăng. Trong khi trồng trọt lại là ngành chủ lực đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Hoàn thành và đưa Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng vào khai thác tiếp ngay sau Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành NN&PTNT trong việc cam kết đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp.

Theo các nhà khoa học, để chuyển đổi số trong nông nghiệp được thuận lợi cần sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là các chủ thể sản xuất, kinh doanh phải sẵn sang thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Trong đó, Bộ NN&PTNT, các bộ, ban ngành có liên quan và các địa phương, cần phải tập trung vào thực hiện một số giải pháp chính như sau: (1) Nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp và nhất là người nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; (2) Nâng cấp và tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và đồng bộ với chi phí cạnh tranh; (3) Đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng, người trồng, số lượng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, số hóa văn bản điều hành của Bộ; (4) Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; (5) Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng trọng tâm và hiệu quả. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, biến động thị trường và tác động mạnh mẽ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu và được kỳ vọng là giải pháp giải phóng tiềm năng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bền vững ở nước ta./.

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số giải phóng tiềm năng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn bền vững" tại chuyên mục Tư liệu - Nghiên cứu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).