Sử dụng năng lượng hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam

20/10/2021 20:53

Để có cái nhìn khách quan về kế hoạch sử dụng các nguồn Năng lượng tại Việt Nam, bài viết đề cập về chất lượng môi trường, xây dựng kế hoạch bền vững và quản lý hiệu quả năng lượng...

Ghi nhận về những ưu tiên cốt lõi của Chính phủ trong quản lý thị trường nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng sạch với chi phí phù hợp để phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải khí nhà kính ; đạt được sự ổn định về tài chính và huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào quá trình sản xuất năng lượng, tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phác thảo một kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong nước để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững đến năm 2030.

Kế hoạch này đã được Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2016 và tái trình bày tại nhiều diễn đàn khác nhau mang tên Kế hoạch Sử dụng các nguồn Năng lượng tại Việt Nam (MVEP). MVEP nhằm vào hỗ trợ để đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đạt được mục tiêu của Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP21) và các mục tiêu phát triển kinh tế (Eurocham 2019).

Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (GGSC) thuộc EuroCham được thành lập vào tháng 5 năm 2014, hướng vào xây dựng điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp Xanh tại Việt Nam. GGSC đại diện cho khu vực tư nhân, hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong khu vực công và các thể chế đa phương. Hoạt động của tiểu ban đã tập trung vào chủ đề Chính phủ ưu tiên đó là quản lý nước, chất thải và xây dựng bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thực trạng  quản lý nước chất thải và kiểm soát chất lượng không khí

Trong những năm qua, việc thiếu phối hợp giám sát xử lý nước thải đã dẫn đến nhiều thảm họa môi trường, gây hiểm họa kinh tế-xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người dân. Hậu quả này đã trở thành mối quan ngại tiềm tàng đối với Việt Nam. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Việt Nam có nhiều quy định về Đánh giá Tác động Môi trường (EIA), song sự trồng chéo và mâu thuẫn giữa các bộ Luật như Đầu tư, Bảo vệ Môi trường và các báo cáo EIA kém chất lượng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng. Hạn chế này được thể hiện trong thực thi các quy định quản lý xử lý nước và nước thải; quản lý rác thải và tái chế chất thải; quản lý chất lượng không khí và tình trạng ô nhiễm gây ra bởi túi nhựa nilon  (Eurocham 2019) .

Thực hiện các quy định về quản lý, xử lý nước và nước thải

Những báo cáo gần đây cho biết, có trên 2.000 dự án đầu tư chưa có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường với hàng trăm khu công nghiệp (KCN) không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định pháp luật ( Chính phủ 2015, Vietnam Net 2016). Các khu công nghiệp trong cả nước mỗi ngày xả ra hơn một triệu mét khối nước thải, trong đó 75% không qua xử lý. Cùng với nước thải công nghiệp, Ngân hàng Thế giới (W.B) ước tính có 10% nước thải sinh hoạt được xử lý ,“90% còn lại xả thẳng vào môi trường, chỉ  khoang 4% bùn thải được xử lý Lượng bùn thải chưa qua xử lý đã trở thành một thách thức lớn (W.B 2013). Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, quy định hình phạt đối với vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, pháp luật sẽ không mang tính răn đe nếu không nghiêm khắc thực hiện các hình phạt trong thực tế.

Theo Bộ Xây dựng (BXD), đến năm 2020 Việt Nam cần đầu tư hơn 10 tỷ USD vào lĩnh vực cấp và thoát nước. Mục tiêu này khó đạt được trong thời gian ngắn nếu không có sự tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân. Do chi phí xử lý nước thải cao hơn chi phí cung cấp nước sạch; giá nước sạch và xử lý nước thải còn quá thấp để các nhà đầu tư tư nhân xây dựng doanh nghiệp có lợi nhuận tài chính. Thêm vào đó, tồn tại trong những quy định không thống nhất về việc thu phí xử lý nước thải hoặc phí bảo vệ môi trường trong các Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2014 và Nghị định 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ đã làm nản lòng các nhà đầu tư tư nhân.

Nhiều tổ chức viện trợ và thể chế đa phương sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển năng lực. Tuy nhiên, các biện pháp này không kéo dài và Việt Nam cần phải sẵn sàng đối mặt với sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường. Bên cạnh sự cần thiết phải cải thiện cơ chế giá cả, quy trình ra quyết định và các yếu tố kỹ thuật liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực tư nhân sẽ không có đầu tư lớn vào lĩnh vực này, nếu điều kiện kinh doanh cơ bản không đem đến lợi nhuận tài chính và thiếu bền vững về kinh tế (Eurocham 2019).

Quản lý rác thải và tái chế chất thải

Hệ thống luật pháp về Bảo vệ Môi trường của Việt Nam đã quy định nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom, và xử lý chất thải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường (Quốc hội 2014Chính phủ 2014; Chính phủ 2015). Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn chất thải (90% tổng lượng chất thải rắn tại Hà Nội và 76% tại Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn tích tụ tại bãi chôn lấp không qua xử lý. Bãi chôn lấp không hợp vệ sinh không chỉ gây nguy hại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm lãng phí nguồn nguyên liệu có thể được tái chế hoặc sử dụng để sản xuất điện năng (Vietnam News  2016)   .

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, tái chế và thải bỏ các sản phẩm bao gồm pin,ắc quy, thiết bị điện và điện tử, dầu nhớt, săm, lốp xe, và phương tiện giao thông. Các tập đoàn đa quốc gia cũng đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng họ cần có khung pháp lý hỗ trợ thực hiện kinh doanh tại Việt Nam. Các quy định của Chính phủ và các Bộ ngành quản lý là những bước đi tích cực, nhưng sẽ có hiệu quả hơn, nếu xác định rõ mục tiêu thu hồi để nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể lập kế hoạch và điều chỉnh kịp thời những vấn đề nảy sinh (Eurocham 2019).

Quy phạm pháp luật về sản xuất điện từ chất thải rắn, còn gọi là sản xuất Năng Lượng từ chất thải (WTE) đã được ban hành từ năm 2014. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2017, mới có một số rất ít dự án WTE thí điểm quy mô nhỏ đi vào vận hành hoặc được xây dựng. Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm chất thải chôn lấp xuống 20% vào năm 2025 và lập kế hoạch thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào WTE, song việc trì hoãn đưa ra quyết định từ các cơ quan nhà nước và thủ tục cấp phép phức tạp đã khiến nhiều dự án quy mô lớn chưa thể tiến triển và đi vào thực hiện.

Kiểm soát chất lượng không khí

Chất lượng không khí tại Việt Nam đã lên đến mức nguy hiểm và rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người tại nhiều thành phố lớn. Đại học Yale đã đưa Việt Nam vào danh sách 9 quốc gia có chất lượng không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, tại Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch trong năm 2017(Đại học Yale, 2014, GreenID 2017)

Trên thực tế, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về ô nhiễm không khí. Lưu huỳnh đioxit, bụi, đioxit, cacbon monoxit và nitơ đioxit đang được thải ra môi trường từ hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, cũng như từ các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy xi măng. Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) ước tính đến năm 2030, sự phụ thuộc vào than đá của phát triển năng lượng có thể gây thiệt hại hàng năm về môi trường và sức khỏe tới 15 tỷ USD (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016).   

Ô nhiễm môi trường bởi túi nhựa nylon

Theo Eurocham, hàng năm có tới 60% chất thải nhựa đổ ra các đại dương đến từ 5 quốc gia và Việt Nam xếp thứ 4 trong số các quốc gia này, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Trong khảo sát gần đây của Trung tâm Hỗ trợ Quản lý Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (PADDI) về chu kỳ tồn tại của chất thải nhựa trên kênh rạch của Thành phố, các nhà nghiên cứu đánh giá, mức độ ô nhiễm chất thải nhựa trên kênh rạch cao hơn từ 50 đến 100 lần so với vùng  sông Seine, nơi có dân số tương đương là 10 triệu người ở Paris nước Pháp.

Do 80% lượng nhựa thải có giá trị khá thấp và phần lớn sản phẩm nhựa được sử dụng ở Việt Nam được làm bằng vật liệu không phân hủy. Dưới tác động của tia cực tím từ mặt trời và các tác nhân thời tiết, những sản phẩm này sẽ vỡ thành mảnh nhỏ hơn theo thời gian. Những mảnh nhựa nhỏ hơn 5mm được sinh vật biển hấp thu gây hiểm họa lâu dài đối với đời sống.

1552922924-nang-luong-2jpg-1634737914.crdownload

TS. Lê Thành Ý và ThS. Vương Xuân Nguyên tại Lễ trao giải phóng sự xuất sắc về môi trường, biến đổi khí hậu - Hội Báo toàn quốc năm 2019.

Thực trạng xây dựng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả

Xây dựng nhà cao tầng ở Việt Nam là những công trình tiêu tốn nhiều điện năng. Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và lối sống thường xuyên sử dụng điều hòa hiệt độ là nguyên nhân dẫn đến tiêu thụ điện quá mức ở các thành phố lớn. Thiết kế tòa nhà hợp lý có thể góp phần hạn chế lượng điện tiêu thụ trong 25 năm tiếp theo của vòng đời tòa nhà. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai. Cả nước mới có khoảng 40 công trình được cấp giấy chứng nhận công trình xanh. Mối quan ngại tiềm ẩn trong xây dựng là do những hạn chế trong thực thi quy định pháp luật. Hiện nay mới chỉ có quy tắc định hướng hoạt động xây dựng với giá điện thấp, nên doanh nghiệp chưa có nhu cầu giảm thiểu chi phí hoạt động. Đầu tư cho công trình xanh còn rất ít ỏi để có thể giải quyết được các vấn đề môi trường hiện tại (Eurocham 2019).

Mỗi năm Việt Nam mất đi 3.000 ha ruộng lúa và tiêu thụ hơn 6 triệu tấn than để đáp ứng nhu cầu gạch nung. Chính phủ và Bộ Xây dựng (BXD) đã áp dụng một số biện pháp để giải quyết vấn đề này. Quyết định 567/QĐ-TTg nhằm  phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30% - 40% vào năm 2020; hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải (Thủ tướng Chính phủ 2010).

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP,có hiệu lực từ ngày 15 tháng 1 năm 2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Quy định mới của nghị định áp dụng các hình phạt do không tuân thủ ở mức 20-30 triệu VND. Tuy nhiên, các quy định này chưa được thực thi đúng đắn và hiệu quả.

Đến nay, nhiều chủ sở hữu đã biết đến khái niệm Công trình xanh. Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), tiêu chuẩn công trình xanh được quan tâm hơn trong 2-3 năm gần đây với trên 100 công trình xây dưng xin cấp chứng chỉ. Áp dụng tiêu chuẩn Công trình xanh và hỗ trợ công nhận sử dụng nhiều hệ thống sẽ thúc đẩy thị trường chọn lọc thiết thực và hữu ích. Tăng cường sử dụng gạch không nung và xúc tiến việc thực hiện các giải pháp xanh có thể giảm được lượng khí thải cacbon từ 70% xuống 40% (Eurocham 2019) 

Sử dụng năng lượng hiệu quả, chi phí đầu tư không cao có thể được áp dụng ngay từ đầu giai đoạn kiến trúc với giải pháp thiết kế dùng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng. Theo đó, tất cả các công trình cần đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu để được cấp phép xây dựng từ giai đoạn thiết kế cơ bản. Thêm vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần áp dụng biểu giá điện. Theo đó, công trình tiêu thụ it năng lượng sẽ được hưởng giá điện thấp và công trình có mức tiêu thụ cao sẽ bị áp mức giá cao hơn.

Có nhiều giải pháp xây dựng bền vững và nhiều ví dụ thành công trên thị trường. Tuy nhiên, việc cần làm là thực hiện thiết kế quy hoạch đô thị rõ ràng, không chỉ bao gồm giải pháp về công trình xanh mà cần đồng bộ các giải pháp về nước, xử lý chất thải, giao thông và cải thiện môi trường sống. Chương trình ưu đãi và chính sách ở cấp vĩ mô cần hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh (Eurocham 2019).

Sử dụng năng lượng tại Việt Nam theo góc nhìn doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu

Phân tích tình hình sử dụng năng lượng tại Việt Nam, giới nghiên cưu nhận thấy, nhu cầu sử dụng điện đã vượt quá mức tăng trưởng đầu vào. Thống kê của BP và W.B về năng lượng thế giới năm 2017 đã thể hiện, mức độ sử dụng điện của Việt Nam gia tăng nhanh và vượt xa nhiều nước trong khu vực. Mức tăng tính theo USD/người trong giai đoạn 2004- 2014 (giá USD năm 2005) đã lên tới 70,4%, cao hơn nhiều lần Trung Quốc chỉ là 0,9%, Malaysia 0,2% ,Thái Lan 3,2%, Indonesia 8,3% và Philippines 17,4%  (BP 2017, W.B 2017).

Cùng với nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng, lượng khí phát thải ở Việt Nam cũng tăng cao nhất khu vực ĐNA. Báo cáo đánh giá các lựa chọn carbon thấp tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới cho biết, trong vòng 10 năm (2005-2015) lượng khí thải CO2 tính bằng kg trên giá trị GDP của việt Nam tăng gấp 2 lần và theo bình quân đầu người tăng gấp 1,8 lần.

Tổng hợp nguồn điện trong năm 2019, Bộ Công Thương đã có kế hoạch vận hành các nhà máy điện. Theo đó, trong tổng nguồn sản xuất 241.958 triệu Kwh, cơ cấu nhiệt điện than chiếm 48,2%, thủy điện 30,4%, nhiệt điện khí 17,5%, nhiệt điện dầu 1,%, năng lượng tái tạo khoảng 1,3%. Với cơ cấu nhiệt điện than chiếm trên 48%, nhiệt điện dầu khí và năng lượng tái tạo chỉ khoảng 19,8%, ô nhiễm nguồn nước và không khí là điều khó tránh (Bộ Công Thương 2019).

Từ thực trạng diễn ra, ưu tiên cốt lõi của Chính phủ Việt Nam trong quản lý thị trường năng lượng được xem xét trên các khía cạnh đảm bảo cung cấp năng lượng sạch với chi phí phù hợp để phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất năng lượng, phù hợp với Hiệp định Paris và kế hoạch đóng góp do Quốc gia tự quyết định (INDC); và Phát triển bền vững ngành điện để đạt được sự ổn định về tài chính, cổ phần hóa tài sản sản xuất điện và huy động đầu tư từ khu vực tư nhân.

Trên nền tảng của Quy hoạch phát triển Điện VII, đã được điều chỉnh cho giai đoạn 2016-203, nghiên cứu lộ trình phát triển ít phát thải Carbon, tiềm năng năng lượng tái tạo trong tiểu vùng Mekong và đặc biệt là khả năng tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ 2011, P.Audiner et al 2016, ADB 2015, J. Maweni&J.Bisbey 2015),cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã đề xuất một kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng với những lợi thế hướng vào đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; cam kết môi trường trong nước, toàn cầu và nhất là nhu cầu thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân .

Vào thượng tuần tháng 12 năm 2016, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam (MVEP). Kế hoạch này cũng được trình bày tại nhiều diễn đàn được tổ chức sau đó. Đây là tài liệu về chính sách năng lượng chính của Tiểu ban tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham phác thảo, trong đó đã chú ý sử dụng các nguồn lực trong nước để đảm bảo tương lai năng lượng bền vững đến năm 2030.

MVEP tập trung vào phân tích và hỗ trợ về mặt pháp lý nhằm: Sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm cả việc tăng cường vai trò của Chính phủ; sử dụng các công cụ quản lý dựa trên nhu cầu để giảm lãng phí, thu hút đầu tư tư nhân cũng như đổi mới trong sử dụng năng lượng hiệu quả; phát triển năng lượng tái tạo bao gồm những chính sách và khung pháp lý nhằm phát triển hơn nữa thị trường và thu hút các nguồn lực của nhà đầu tư trong, ngoài nước. Kế hoạch nhấn mạnh cách thức đáp ứng nhu cầu năng lượng. Theo đó, cần sử dụng các nguồn năng lượng nội địa sạch hơn như năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng sinh khối, gió và mặt trời; sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững; tăng cường phát triển các dự án khí tự nhiên.

Khí thiên nhiên là nhiên liệu ít gây ô nhiễm, mức phát thải khí CO2 thấp hơn 60% so với than, đây là nhiên liệu hóa thạch có hiệu quả cao về chi phí, có thể đóng vai trò là nhiên liệu cầu nối để chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch. Theo nhiều phân tích, trên cơ sở những thành quả hiện nay, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng tối đa các nguồn năng lượng trong nước để giảm rủi ro và tối đa hóa các lợi ích kinh tế xã hội  (Eurocham 2019). 

Thực thi kế hoạch sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam (MVEP) sẽ mang lại nhiều  lợi ích. Trước hết là, kế hoạch phát triển linh hoạt có thể được điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu năng lượng, cho cả kịch bản khi nhu cầu tăng cao hoặc thấp. Kế hoạch này có thể  loại bỏ được rủi ro tài sản đầu tư nếu tỷ lệ tăng trưởng cao hơn dự đoán. Nhờ đó, có thể thu hút thêm nhiều nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; giảm được sự phụ thuộc vào chính phủ về ngân sách, trợ giá và bảo lãnh. Sử dụng điện hiệu quả hơn sẽ giảm lãng phí năng lượng; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và sức hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Khai thác sử dụng tốt những nguồn năng lượng sạch sẽ góp phần quan trọng vào giảm tác động môi trường và nhu cầu than nhập khẩu. Báo cáo MVEP cũng đưa ra các khuyến nghị về mặt pháp lý và chính sách để đến năm 2030 có thể thu hút được 100 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đáp ứng nhu cầu điện năng và tối đa hóa việc sử dụng các nguồn lực trong nước, hướng tới  đạt được các mục tiêu môi trường của Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch này có thể giảm được chi phí hối đoái 20tỷ đến 25 tỷ USD nhập khẩu than dùng cho các dự án điện than. Nhờ đó sẽ tăng thu từ 15tỷ đến 20 tỷ USD cho ngân sách để phát triển 3 GW nhiệt điện khí trong nước. Theo đó giảm được chi phí ô nhiễm môi trường và xã hội do không phải mở thêm các nhà máy điện than mới. Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chi phí do ảnh hưởng sức khỏe và môi trường của các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch phát triển điện lực hiện nay có thể lên tới 15 tỷ Đô-la Mỹ vào năm 2030.

Theo hướng phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả năng lượng sinh khối, gió và mặt trời; sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững; tăng cường phát triển các dự án khí tự nhiên, Việt Nam sẽ giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu, tránh được rủi ro về cán cân thanh toán, giảm được gánh nặng về tài chính, chi phí hậu cần và chi phí môi trường của vận chuyển than, xỉ than. Mặt khác, sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy năng lượng nhờ thời gian chỉ mất một năm để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, và thậm chí còn nhanh hơn đối với trang trại gió, ngắn hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện. Các hệ thống năng lượng mặt trời, trang trại gió có thể được mở rộng nhanh khi nhu cầu tăng cao.

Những kiến nghị cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu

Phân ích thực trạng môi trường và quá trình phát triển ngành điện Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đã phát hiện nhiều vấn đề cần được hoàn thiện để góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, sách trắng năm 2019 đã có những kiến nghị cụ thể vềquản lý nước, chất thải và sản xuất năng lượng từ chất thải; xây dựng bền vững, sử dụng năng lượng hiệu quả; và khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tại Việt Nam.

Quản lý nước,chất thải, chất lượng không khí và sản xuất năng lượng từ chất thải

Eurocham kiến nghị lập ra lực lượng chuyên trách thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn về xử lý nước hiện nay, thống nhất các quy định mâu thuẫn và tập trung quản lý các khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.

Cần chuyển dần sang mô hình tính giá theo nhu cầu xử lý nước thải và tạo ra điều kiện bền vững để đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực liên quan đến nước.

Để quản lý chất thải, cần có hạn mức thu gom chất thải bắt buộc hàng năm và có hướng dẫn rõ ràng, có thể thi hành và thời hạn để phê duyệt dự án sản xuất năng lượng từ chất thải.

Để giải quyết chất lượng không khí, nên đưa ra các chính sách giải quyết tình trạng ô nhiễm và cải thiện giao thông công cộng; áp thuế các bên gây ô nhiễm chủ yếu dựa trên tác động về kinh tế-xã hội và sức khoẻ mà các bên đó gây ra. 

Trong xây dựng môi trường sống trong lành, khuyến nghị nêu ra đã tập trung vào thực hiện nghiêm ngặt và thực sự hiệu quả các quy định về xử lý chất thải, nước thải. Chính phủ cần phối hợp và tổ chức các chương trình hành động ở tầm quốc gia và trong khu vực nhằm đẩy mạnh việc hạn chế xả rác thải nhựa, cấm từng phần hoặc đánh thuế sử dụng túi nhựa dùng một lần, để các điểm bán lẻ, nhà cung cấp thực phẩm cũng như người tiêu dùng có thể nhanh chóng thích nghi và áp dụng các giải pháp ít gây ô nhiễm. hơn cho môi trường.

Xây dựng bền vững và hiệu quả sử dụng năng lượng

Eurocham kiến nghị Chính phủ khuyến khích chủ công trình áp dụng các tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ công nhận công trình Xanh. Theo đó, những công trình sử dụng năng lượng hiệu quả không tốn chi phí đầu tư cao có thể được áp dụng từ giai đoạn kiến trúc với giải pháp thiết kế sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường và sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh  chứng chỉ công trình Xanh quốc tế được sử dụng; cộng đồng doanh nghiệp châu Âu sẽ là tác nhân hỗ trợ thúc đẩy việc công nhận nhiều hệ thống chứng chỉ khác nhau.

Việc áp dụng các giải pháp gạch không nung cần được quảng bá và thực thi hiệu quả hơn nữa. Ngoài ra, cần tăng tính hiệu quả sử dụng năng lượng tại các tòa nhà và trình bày kết quả sử dụng, những tác động cụ thể tới việc quy hoạch đô thị.. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể áp dụng biểu giá điện, theo đó, công trình tiêu thụ năng lượng thấp sẽ được hưởng giá thấp và công trình có mức tiêu thụ cao sẽ bị áp mức giá cao hơn.

Cần thực hiện thiết kế quy hoạch đô thị rõ ràng, không chỉ có các giải pháp về công trình xanh mà cần có giải pháp cải thiện đồng bộ các vấn đề về nước, xử lý về chất thải, giao thông, cải thiện môi trường sinh sống.

Khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng,

Thực thi Kế hoạch Sử dụng các nguồn Năng lượng tại Việt Nam (MVEP) Chính phủ cần xây dựng và thực thi một chính sách năng lượng bền vững hơn để thu hút đầu tư mới. Điều này đòi hỏi phải ban hành và cải cách các quy định nền tảng, cụ thể là áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện và phát triển tiềm năng khí tự nhiên ngoài khơi.

Theo quan điểm của EuroCham, Chính phủ cần xây dựng lộ trình năng lượng bền vững để thu hút các khoản đầu tư mới. Thực hiện lộ trình này, điều cần thiết là thực hiện một số chính sách cơ bản và cải cách pháp lý tập trung vào Áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả; Thúc đẩy đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và Phát triển tiềm năng khí ngoài khơi

Biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo nguyên tắc đảm bảo người tiêu dùng phải chi trả chi phí sử dụng năng lượng thực tế và xác định thời gian, tiến độ tính giá bán điện theo thị trường, Eurocham kiến nghị Chính phủ sớm ban hành lộ trình giá bán lẻ điện để tính giá bán theo thị trường, bao gồm xác định các mức giá điện khác nhau cho 3 mục đích sử dụng sinh hoạt, thương mại và công nghiệp vào năm 2020;

Có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lưới điện thông minh và công nghệ chuyển đổi thông minh nhằm đưa ra các giải pháp tiết kiệm chi phí hiệu quả;

Xây dựng các biện pháp ưu đãi đặc biệt cho hệ thống biến rác thải thành điện năng; và thực hiện giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng .

Thúc đẩy đầu tư tư nhân cho năng lượng tái tạo

 Kiến nghị nêu ra tập trung vào: Áp dụng hợp đồng mua bán điện trực tiếpgiữa nhà sản xuất điện và khách hàng tiêu thụ điện lớn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia (MNC) đã công khai cam kết về hướng sử dụng năng lượng sạch. Điều này sẽ thu hút thêm đầu tư vào các thương hiệu toàn cầu và giúp Việt Nam tăng vị thế trong chuỗi giá trị sản xuất;

Thực hiện kiến nghị về những thay đổi đối với hợp đồng mua bán điện gió và điện mặt trời để tăng “khả năng vay tài chính” trong biểu giá năng lượng tái tạo đối với dự án năng lượng tái tạo và loại bỏ các điều khoản hợp đồng mua bán điện không bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ cho các dự án này. Theo đó, biểu giá năng lượng tái tạo cần được tính thêm chi phí môi trường và sức khoẻ từ sử dụng nhiệt điện than là 2.26 USD/GJ vào giá thành (tương đương 8,07/MWh điện sản xuất) và chi phí carbon là 35/tấn CO2 tương đương

Từ góc độ của nhà đầu tư đối với những dự án có chi phí thấp, ngày càng có nhiều tổ chức tài trợ quốc tế đề xuất hỗ trợ và bảo lãnh xây dựng các dự án năng lượng sạch và năng lượng tái tạo cũng như các quy trình thủ tục hỗ trợ tăng mức độ tín nhiệm của EVN. Eurocham cho rằng, việc củng cố năng lực tín dụng cho EVN sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng và môi trường đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư cân nhắc Việt Nam là thị trường hấp dẫn để thực hiện đầu tư, kinh doanh. Do đó, Chính phủ cần phối hợp với các chuyên gia năng lượng mặt trời từ khu vực tư nhân, các nhóm kinh doanh tại Việt Nam để công bố Quy hoạch Điện Mặt trời và đưa ra các quyết định hỗ trợ nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Phát triển tiềm năng khí ngoài khơi

Những phân tích chi tiết của EuroCham cho thấy, cấu trúc chi phí và doanh thu của dự án khí có lợi hơn rất nhiều so với phương án sử dụng nhiên liệu nhập khẩu. Thêm vào đó, chi phí cho công nghệ “than sạch” cao hơn nhiều so với khí thiên nhiên. Nhiều tiến bộ trong thực thi cải cách nhằm thu hút đầu tư mới để nâng cao năng lực sản xuất năng lượng từ khí thiên nhiên và LPG của Việt Nam đã mở ra định những lợi thế đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tiểu ban Tăng trưởng Xanh thuộc EuroCham đánh giá cao nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa Bộ Công Thương (BCT) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Việt Nam trong việc xây dựng chính sách năng lượng cho khu vực tư nhân.

Trong thời gian tới, các chuyên gia là thành viên của EuroCham trong lĩnh vực tài chính, phân tích thị trường năng lượng và giảm thiểu rủi ro sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch và bền vững cho tương lai. Hy vọng với sự đồng hành của EuroCham và các định chế tài chính quốc tế, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam sẽ tạo được những đột phá mới trong lĩnh vực năng lượng sạch và bảo vệ môi trường để góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

TS. Lê Thành Ý

ThS. Vương Xuân Nguyên

---

Tài liệu tham khảo

Quốc hội (2014 ) Luật Bảo vệ môi trường 2014;

Chính phủ (2015) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu ngày 24 tháng 4

Chính phủ (2015) Nghị định 19/2015/ NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường ngày 14 tháng 2

Chính phủ (2014) Nghị định 80/2014/NĐ-CP   về thoát nước và xử lý nước thải ngày 6 tháng 8

Chính phủ (2015) Nghị định 03/2015/NĐ-CP quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường ngày 6 tháng 1

Chính phủ (2015) Nghị định 38/2015/NĐ-CP  về quản lý chất thải và phế liệu ngày 22 tháng 11

Ngân hàng Thế giới (2013) Việt Nam: Đánh giá Nước thải Đô thị, ngày 1 tháng 12

Thủ tướng Chính phủ (2010) Quyết định 567/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 ngày 28 tháng 4.

Thủ tướng Chính phủ (2011) Quyết định 1208/2011/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 ngày 21 tháng 7

Bộ Công Thương (2019) Quyết định 4677/QĐ-BCT Về việc phê duyệt Kế hoạch vận hành năm 2019. Ngày 04 tháng 01

Eurocham (2019). Sách trắng Eurocham 2019  Hà Nội 14 tháng 3

BP (2017) Đánh giá thống kê về năng lượng thế giới  tháng 6 năm 2017

Vietnam News (2016) Thủ tướng kêu gọi chung tay hành động vì môi trường ngày 9 tháng 9

Vietnam Net (2016)  Báo cáo của Bộ TNMT cho thấy các vấn đề môi trường nghiêm trọng”, ngày 14 tháng 9

Đại học Yale (2014)   Chỉ số Chất lượng không khí, hiệu quả hoạt động môi trường,” Đại học Yale, 2014.  

GreenID (2017) Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch vào năm 2017: Channel News Asia.2017.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (2016)  Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam tháng 10, trang 3

P. Audinet; B. Singh; N. Bipulendu; D. T. Kexel; S. Suphachalasai; P. Makumbe and K. Mayer (2016), Nghiên cứu Lộ trình phát triển it phát thải Carbon cho Việt Nam Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016.

Ngân hàng Phát triển châu Á  (ADB)  2015. Tiềm năng và phát triển năng lượng tái tạo trong tiểu vùng sông Mekong

J. Maweni và J. Bisbey (2015)  Kế hoạch Khôi phục tình hình tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Tác động đến ngành điện Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới, 2015.

Bạn đang đọc bài viết "Sử dụng năng lượng hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" tại chuyên mục Tư liệu - Nghiên cứu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).