Xu hướng phát triển từ những công nghệ then chốt trong thời đại 4.0

20/10/2021 20:56

Trong trào lưu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới đang hướng đến nền kinh tế thâm dụng tri thức để tăng cường khả năng hợp tác và cạnh tranh khoa học và công nghệ.

Công nghệ và những việc làm liên quan đến trí tuệ ngày càng quan trọng, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nhằm sản sinh các dòng kiến thức tạo nền tảng cho sản xuất thâm dụng tri thức đã trở thành vấn đề cốt lõi trong hội nhập và cạnh tranh mang tính tòan cầu.

Phân tích 40 công nghệ được nhận dạng thuộc 4 nhóm công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, công nghệ số, năng lượng và môi trường, các nhà nghiên cứu đã rút ra 10 công nghệ then chốt có nhiều triển vọng tương lai. Đó là các công nghệ Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thần kinh, vệ tinh micro, vật liệu nano, công nghệ in 3D, tích trữ năng lượng tiên tiến, sinh học tổng hợp  và công nghệ Blockchain. Bài viết đề cập tới những điểm nổi bật về những công nghệ này.

1. Internet vạn vật (IoT)

IoT bao gồm những thiết bị và đối tượng có trạng thái thay đổi thông qua mạng internet. Thuật ngữ này có hàm nghĩa rộng hơn thiết bị kết nối Internet truyền thống, bởi nó gồm tất cả các loại vật thể và cảm biến trong không gian, nơi làm việc, trong các ngôi nhà có thể thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau và với con người.

IoT tạo khả năng cho các hệ thống thông minh và máy móc tự hành, mang nhiều triển vọng tạo nên một xã hội kết nối bằng số, có tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội. Theo nhiều dự báo, số lượng thiết bị kết nối IoT của người dân ở các nước OECD sẽ gia tăng từ 1 tỷ (năm 2016) lên 14 tỷ vào năm 2022. Ước tinh khác cho rằng, đến năm 2020 thế giới sẽ có từ 50 tỷ đến 100 tỷ thiết bị kết nối trong và xung quanh nhà ở của người dân. Với những siêu kết nối có thể thực hiện, IoT sẽ làm thay đổi bộ mặt xã hội, mang ý nghĩa sâu sắc đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế; tạo những cơ hội để cung cấp dịch vụ chăm sóc, giúp  cải thiện tình trang sức khỏe người dân. IoT còn cung cấp dữ liệu và công cụ tạo thông tin về chuỗi cung ứng toàn diện, có thể dẫn đến quy trình sản xuất hoàn tòan tự động trong chuỗi giá trị, tùy chỉnh các thông số theo yêu cầu đến khâu cuối cùng trong chế tạo thông minh.

1552297759-kynguyensojpg-1634738122.crdownload

Các thành phố thông minh với cơ sở hạ tầng số hóa giúp người dân có thể sử dụng các dịch vụ định vị trên điện thoại di động để dóng góp cho thành phố về những thiệt hại về cơ sở hạ tầng. cung cấp cho các nhà quy hoạch những hiểu biết vế sử dụng các phương tiện công cộng.

Mặc dù có nhiều triển vọng tương lai, song theo các nhà phân tích, bất bình đẳng xã hội có khả năng trầm trọng hơn, nếu khoảng cách giữa người có điều kiện và người không thể theo kịp sự phát triển của IoT tiếp tục gia tăng. Bối cảnh thuận lợi của IoT thúc đẩy cạnh tranh, làm nảy sinh vấn đề tương kết trong kết nối không dây. Luồng dữ liệu nhạy cảm mà hàng tỷ cảm biến hoạt động liên tục ở khắp mọi nơi tạo rủi ro không nhỏ trong đảm bảo an ninh và bảo mật riêng tư  Mâu thuẫn giữa các quy định và sự bất ổn định hiện hành có thể dẫn đến tắc nghẽn các dịch vụ IoT ở các quốc gia (NASATI 2018).

2. Phân tích dữ liệu lớn (Big data)

Là một tập hợp kỹ thuật và công cụ để xử lý và diễn giải dữ liệu tạo ra trong hoạt động của con người, phân tích dữ liệu lớn được sử dụng nhằm suy luận các mối quan hệ, thiết lập sự phụ thuộc và thực hiện dự đoán kết quả hành vi.

Phân tích dữ liệu lớn mở ra cơ hội để tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và đóng góp tốt hơn vào phúc lợi của người dân. Tiếp cận khối dữ liệu lớn giúp ra quyết định kịp thời, sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển phân tích dữ liệu. Nhờ tăng cường tính công khai, minh bạch, sẵn sàng đáp ứng cùng với trách nhiệm giải trình của khu vực công; dữ liệu mở từ khu vực công do các công ty tư nhân khai thác được coi là một nguồn lực quan trọng để xây dựng lòng tin của công chúng. Dữ liệu, cơ sở hạ tầng và chính sách truy cập mở phù hợp làm cho các bộ dữ liệu đơn lẻ trở thành một bộ phận của dữ liệu lớn, thúc đẩy nghiên cứu, thiết kế chính sách tiếp tục gia tăng và làm cho khoa học trở thành nỗ lực của công dân (NASATI 2018).

Mặc dù có nhiều lợi thế, song quá trình phát triển dữ liệu lớn cũng đặt ra nhiều thách thức. Trước hết, nhu cầu kỹ năng chuyên gia đòi hỏi phải điều chỉnh nhanh chóng chương trình giảng dạy và các tập hợp kỹ năng của giảng viên. Mặt khác, thể chế pháp lý cần hoàn thiện để thúc đẩy luồng dữ liệu liên tục liên thông giữa các quốc gia, ngành và các tổ chức kinh tế kỹ thuật.

Bất bình đẳng xã hội diễn ra cùng với chuyển đổi cơ cấu kỹ năng. Sự phân hóa kỹ thuật số phát sinh từ thông tin bất cân xứng gia tăng, dẫn tới gắn kết xã hội với khả năng phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng theo. Để ngăn ngừa gia tăng bất bình đẳng, đòi hỏi chính phủ phải giúp người lao động diều chỉnh phù hợp với sự thay đổi nhu cầu kỹ năng thông qua học tập suốt đới và nâng cao khả năng tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.

3. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Trí tuệ nhân tạo được xác định là khả năng máy móc và hệ thống của chúng có thể tiếp thu và chuyển hóa tri thức để thực hiện các hành vi trí tuệ. Những hệ thống thông minh có thể kết hợp phân tích dữ liệu lớn với điện toán đám mây, giao tiếp máy-máy hoặc IoT để vận hành và học tập. AI tạo khả năng cho các phần mềm và robot hoạt động như những tác nhân tự trị; hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào các quyết định của người sáng tạo hoặc vận hành.

Trí tuệ nhân tạo không chỉ giới hạn trong thế giới số, nó có thể kết hợp với những tiến bộ của kỹ thuật cơ điện để mở rộng khả năng để robot thực hiện nhiệm vụ nhận thức trong thế giới tự nhiên, cho phép thích ứng với môi trường làm việc mới mà không cần phải lập trình lại. Những robot được AI hỗ trợ đang trở thành trung tâm của ngành hậu cần chế tạo, sẽ thay thế lao động con người trong các quy trình sản xuất. Cảm biến sử dụng ngày càng phổ biến trong các dây chuyền sản xuất, làm cho những quy trình ngày càng thích ứng hơn với sự thay đổi của yêu cầu sản xuất và điều kiện làm việc, có thể tạo ra cuộc cách mạng sản xuất với những biến đổi cơ bản trong các ngành nông nghiệp, hóa chất, dầu mỏ, sản xuất hàng tiêu dùng, vận tải, xây dựng, quốc phòng, giám sát và an ninh.

Yếu tố thiết yếu của lợi ích trí tuệ nhân tạo là cung cấp mạng lưới vận tải năng lượng và truyền thông tin cậy, triển khai rộng trong các ngành công nghiệp dịch vụ, marketing và tài chính, tạo những thay đổi rõ rệt trong các loại hình giao dịch. Trong ngành y tế, việc chẩn đoán trở nên chính xác và dễ tiếp cận hơn nhờ vào kết quả phân tích dựa trên cơ sở dữ liệu của trí tuệ nhân tạo. Với hiệu suất được cải thiện, AI có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ xã hội. Theo đó, robot xã hội có thể giúp giải quyết nhu cầu già hóa thông qua hỗ trợ con người về thể chất và tinh thần, giảm bớt sự cô lập xã hội của người cao tuổi.

Mặc dù có nhiều lợi thế song việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích con người cũng gây ra những vấn đề về đạo đức trong cuộc sống. Với bản chất chưa hoàn chỉnh của hệ thống,  AI đã làm nảy sinh những nghi vấn về nguyên tắc, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý cần được san sẻ giữa trí tuệ nhân tạo với nhà lắp ráp, nhà lập trình và chủ  sở hữu.

Từ vai trò con người trong xã hội, tăng cưởng AI là vấn đề lớn đạt ra đòi hỏi phải xác định lại cách sử dụng thời gian trong cuộc sống nhằm cân đối lại thời gian thích hợp cho công việc và thời gian giải trí.

(Còn tiếp...)

TS. Lê Thành Ý
ThS. Vương Xuân Nguyên

Bạn đang đọc bài viết "Xu hướng phát triển từ những công nghệ then chốt trong thời đại 4.0" tại chuyên mục Theo dòng thời cuộc. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).