Trong giới doanh nhân, Nghệ nhân Sinh vật cảnh Việt Nam, bằng hữu thân tín nhất của ông ít người mới biết và hiểu rõ các yếu tố: Thiên - Thời - Lí - Xứ như nhân duyên của ông với siêu kiệt tác mang tên "Mâm Xôi Con Gà".
Có người tiết lộ: Tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà" với doanh nhân Thành Vàng còn quý hơn cả vàng. Nó giống như một thứ bùa hộ mệnh luôn mang lại rất nhiều tài lộc và những điều may mắn trong một đời doanh nhân của ông. Nó mang lại cho ông một giá trị thương hiệu không thể tính được bằng tiền hay vàng bạc, châu báu.
Doanh nhân Thành Vàng bên tác phẩm Mâm Xôi Con Gà. |
Người ta biết đến ông phần nhiều xuất phát từ khi ông là chủ nhân đang sở hữu tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà" ít ai để ý ông làm nghề gì hay sự thành công của ông. Có một cái gì đó vừa thực tế vừa bí ẩn trong tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà" mà đến nay chưa thể lý giải thỏa đáng được.
Chỉ biết rằng, tuyệt phẩm trên hàng ngày như truyền cho ông và gia đình một nguồn năng lượng huyền bí nào đó từ sự "hội tụ âm dương" và "tâm linh thần thức cây cỏ" hộ trì cho hoạt động kinh doanh của ông ngày càng kinh doanh phát đạt, hưng vượng cát tường mọi mặt, toàn gia trường lạc vĩnh khang. Từ giá trị ban đầu ông đầu tư bằng giá trị một chiếc xe ô tô hạng sang nhất thời đó cho đến nay giúp gia đình ông sử hữu một sản nghiệp cao gấp nhiều lần. Chính vì thế, mỗi khi gặp bạn bè tri kỷ chơi cây, ông chỉ ngồi đàm đạo về nghệ thuật tạo hình, đạo chơi và tình đời, không bao giờ ông đề cập đến giá trị tác phẩm dưới góc độ tiền bạc!
Tác phẩm Mâm Xôi Con Gà. |
Tác phẩm Sanh (Ficus benjamina L.) trên thuộc dòng tứ kỳ mộc (Sanh, Si, Đa, Đề) được nhiều nghệ nhân cao niên truyền tụng rằng: "Cụ" ngự trên đỉnh cổng làng cổ Ngô Sài (xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ) tự bao giờ không ai biết. Từ những năm đầu thế kỷ trước, các cụ bô lão đã quyết định hạ "cụ" xuống để bảo vệ cổng làng. Một gia đình có truyền thống yêu cây cảnh tại Phủ Quốc đã mang "cụ" về trồng trên hòn non bộ bằng đá ong trước nhà và đặt tên cho tác phẩm mộc mạc là “Mâm Xôi Con Gà” với ước vọng cuộc sống đủ đầy, ấm no, gia đình hạnh phúc sum vầy.
Qua năm tháng, qua nhiều bàn tay tạo tác khác nhau, tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà" xuất hiện nhiều đường nét duyên dáng cùng với những câu chuyện xoay quanh về số phận "một đời cây như thân phận nàng Kiều trong thơ của Nguyễn Du được bán đi chuộc lại" được truyền thông quan tâm với tần suất cao chưa từng có tiền lệ và nổi tiếng đến mức đã đi vào thơ văn hò vè trong cộng đồng như một "hiện tượng" văn hóa:
Tay ngón Long quần thụ
Bông tán tản vân
Thân vách dáng làng
Thạch thụ tương sinh
Mâm Xôi Con Gà
"Vinh Quy Bái Tổ"
Đạt bốn tiêu chí
Cổ - Kỳ - Mỹ - Văn
Để rồi từ sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010, tên tuổi của tác phẩm này gắn với địa danh nơi tác phẩm tọa lạc là Đất Tổ Hùng Vương đã ngày một nổi tiếng trong nước và quốc tế. Với sự xuất hiện trên trang bìa Tạp chí BCI danh giá của Mỹ vào năm 2012 đã giúp cho giới nghệ nhân và những người yêu nghệ thuật Bonsai trên thế giới từ sự "tò mò" đến việc tìm hiểu và yêu mến những tác phẩm Bonsai made in Việt Nam như tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà".
Tác phẩm được tạp chí danh tiếng BCI của Hoa Kỳ giới thiệu trên trang bìa năm 2012. |
Nhiều năm qua, người viết bài khi tiếp đoàn nghệ nhân Bonsai Quốc tế từ các châu lục, các bạn đều nhắc tới tác phấm "Mâm Xôi Con Gà" như một sự khen ngợi về tôn vinh văn hóa làng của người Việt. Yêu làng yêu nước được thể hiện ngay cả ở trong các thú chơi văn hóa. Khát vọng trường tồn như sức sống mãnh liệt của rùa thần Kim Qui...Người chưa am tường nhiều về cây cảnh nghệ thuật hay bonsai cũng dễ nhận ra những thông điệp này ở tác phẩm "Mâm Xôi Con Gà".
Bạn bè Quốc tế rất ngỡ ngàng khi họ khám phá ra sự tinh tế trong sáng tạo cây cảnh nghệ thuật của người Việt thông qua tuyệt phẩm Mâm Xôi Con Gà. Trước hết với quan điểm "Quý hồ tinh bất quý hồ đa", người Việt rất trọng sự tinh túy trong sáng tạo, luôn coi trọng chất lượng hơn số lượng. Chúng ta có thể thấy đàn một dây, chùa một cột, cầu một nhịp...nhưng riêng cây cảnh thì lại thích "Cây cao bóng cả", kích thước không quá nhỏ. Điều này xuất phát từ văn hóa, người Việt coi cây là "Thần mộc", yếu tố văn hóa tâm linh gắn liền với cuộc sống gần gũi với người mẹ thiên nhiên vừa dịu dàng như những dòng suối mát vừa dữ dội đến hung tàn khi nóng giận. Đúng như Phật Hoàng Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước đã căn dặn hậu bối:
Biến cây thành thần mộc
Biến đá thành địa linh
Người người đều có đạo
Kẻ thù nào chẳng kinh
Cây cảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang những tư tưởng thiên luân thế giáo do con người gửi gắm. Nó vừa là tiểu vũ trụ hòa hợp giữa Thiên - Địa - Nhân hợp nhất vừa chịu ảnh hưởng bởi những triết luận của Nho Gia, Đạo Lão, Phật Giáo, Âm Dương Ngũ Hành... của phương Đông. Phần bệ rễ tượng trưng cho tổ tông nguồn cội; Phần thân trong phạm trù "Tứ thân phụ mẫu", bậc sinh thành; Phần tay cành tượng trưng cho "anh em như thể chân tay"; Phần bông, dăm, lá, hoa, quả tượng trưng cho con, cháu chắt...Vì thế một tác phẩm mang những ước vọng một của gia đình thuần Việt có sự hài hòa giữa các bộ phận để tạo nên vẻ đẹp tổng thể. Tựu chung lại ở các yếu tố:
"Phô thân, khoe lá, lộ căn.
Cổ - Linh - Tinh - Tú, kỹ dăm đẹp tàn".
Một tác phẩm viên mãn được nhiều người đánh giá là biểu tượng cho những giá trị của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam. |
Sau Festival Sinh vật cảnh Thủ đô lần thứ nhất năm 2016, tác phẩm Mâm Xôi Con Gà dù không xuất hiện ở cuộc triển lãm nào trong toàn quốc nhưng hình ảnh, cũng như âm hưởng có nó đã lan tỏa và tạo cảm hứng cho nhiều nghệ nhân yêu Bonsai, Cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài nước.
Thật bất ngờ! đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2019) và Tổng kết 10 năm xây dựng Nông thôn mới, Tuyệt phẩm "triệu đô" lại xuất hiện tại Triển lãm Sinh Vật Cảnh huyện Phúc Thọ (Hà Nội) từ ngày 26/10 - 04/11/2019 để phục vụ công chúng trong và ngoài nước!
Tác phẩm Mâm Xôi Con Gà nổi tiếng trong và ngoài nước và thực sự đã trở thành một ngôi sao truyền thông quảng bá thương hiệu, hình ảnh và những giá trị độc đáo của cây cảnh nghệ thuật Việt Nam. Giới yêu cây cảnh nghệ thuật Việt Nam đang hy vọng sự hiện diện của kiệt tác này tại Thủ đô lần này sẽ góp phần tạo ra "cú huých" để thúc đẩy thị trường cây cảnh nghệ thuật phát triển sôi động trở lại như những lần xuất hiện trước đây./.