Ở tuổi bách niên trường thọ, Giáo sư vẫn không ngừng làm việc. Nhìn vào số lượng tác phẩm, công trình ông viết, chủ biên, biên tập, cố vấn trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vô cùng kính nể về sức làm việc và bộ óc uyên bác của ông. Trong số đó, có rất nhiều văn tế, văn bia và những bài thơ của ông như những nén tâm nhang gửi đến những người anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước Việt Nam mãi mãi vững bền.
Năm nay Giáo sư Vũ Khiêu bước vào khánh thọ lần thứ 104, sức khỏe không còn được ổn định như trước, lớp phóng viên chúng tôi không tiện đến vấn an, thăm hỏi Giáo sư về những tác phẩm mới của ông viết về đề tài anh hùng liệt sĩ nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.
Cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc trường tồn |
Nhớ những dịp này hàng năm, chúng tôi đến thăm ông và được nghe ông chia sẻ về những bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối tại nhiều đền thờ danh nhân và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ bài văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng tháng Tám, văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, văn tế Trần Hưng Đạo... cho đến các vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...
Năm 29 tuổi, Giáo sư đã viết văn tế hương hồn những người đã chết vì nạn đói năm 1945. Nói về áng văn này ông xúc động tâm sự: "Tôi viết bài văn này trong một hoàn cảnh đau thương của đất nước, những ngày diễn ra một nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng có thể nói là lớn nhất trong thế kỷ 20...Trong một đêm mưa dầm gió lạnh, tôi đã đốt hương ngồi khấn những vong hồn của nạn đói và thức đến sáng để viết bài này trong nước mắt. Nghĩ đến những xác người chết đói còn phơi dưới gió mưa, dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian nửa như âm phủ mà đau xót cho nhân dân ta. Nạn nhân là những người nông dân khi sống đã dành bao nhiêu nước mắt và mồ hôi trong lao động, để kiếm được hạt gạo nuôi gia đình mình và góp phần nuôi cả đồng bào. Thế mà ngày nay bao nhiêu công sức đã bị thực dân phát-xít cướp đi để không còn một hạt thóc sống qua ngày".
Bài Văn tế nạn nhân chết đói tháng 3-1945 của Giáo sư Vũ Khiêu đã trải qua độ lùi hơn 70 năm nhưng vẫn gieo bao niềm xúc động và đã thể hiện rất rõ truyền thống nhân văn tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam:
Hỡi những bóng điêu linh
Hỡi những hồn oan uất
Mà đường khuya quãng vắng lang thang
Trên ngọn cỏ đầu cây lẩn khuất!
Ta đã trông những hình rã rượi,
mẹ khóc con trong sương lạnh trăng mờ.
Ta đã nghe những tiếng thảm thê,
già bảo trẻ dưới mưa lay gió lắt.
Nghĩ thương kẻ còn đau khổ mãi,
nỗi oan buồn máu biếc không tan,(6)
Mà biết ai chưa trả thù xong,
lửa oán giận gan vàng chẳng tắt.
Oán đã đành những kẻ xâm bang:
giết người, cướp của, thỏa dạ tham tàn
Giận biết mấy cho quân đồng loại:
tham nhũng, đầu cơ, riêng mình khoái dật.
Ngán nhẽ lầu son gác tía,
chén phong lưu những máu chan hòa.
Gớm cho mũ bạc đai vàng,
đài vinh hiển bằng xương cao ngất!
Nay gặp buổi:
Súng dân quân dậy sóng ầm ầm
Cờ khởi nghĩa ngất trời phới phất
Ðèn quang minh đương độ soi cao
Gươm chính khí đến ngày tuốt phắt.
Bao phường cướp nước không tha
Những lũ buôn nòi sẽ bắt
Hận thù kia rồi trả phân minh,
Oan thác nọ sẽ đền chu tất.
Cho ai chín suối ngậm cười.
Ðể khách năm châu tỏ mặt.
Chỉ đáng tiếc sống xưa chửa kịp đem thân nọ
đền bù đất nước,
phải ngậm hờn cùng hoa cỏ ủ ê.
Thì ngày nay chết phải làm sao để hồn kia
chói lọi trời mây,
mà bảo vệ lấy giang sơn vững chặt.
Giúp đồng bào cho trăm triệu sống an vui
Dựng độc lập để nghìn thu cờ vững ngất.
Chỉ sau đó một năm, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Giáo sư Vũ Khiêu viết văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng tháng Tám thể hiện sự khâm phục trước những tấm gương anh dũng hy sinh "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!" của các anh hùng, liệt sĩ Cách mạng tháng Tám, đã đặt vận mệnh của đất nước lên trên tình sâu nghĩa nặng gia đình:
“Coi rẻ công danh
Khinh thường uy vũ
Da ngựa dù phong
Cánh bằng quyết vỗ:
Cha già, mẹ yếu, trăm đường, cay cực ra đi vợ khóc,con theo, bao mối yêu thương đành phụ
Vì giang sơn, đã phải như không
Xong ân ái, nào ai chẳng có
Xót buổi hoa tàn, trăng xế, mà không héo hắt phòng khuya
Thảm khi gió thổi, sương buông, mái tuyết bơ phờ cửa sổ…”.
Khi mô tả về những ngày nổi dậy của nhân dân, tháng 8-1945, Giáo sư viết những câu hùng tráng:
“Đến ngày tháng Tám
Giời như xám lại, bớt đau thương
Đất bỗng vùng lên, vì phẫn nộ
Bóng anh hùng rợp cả non sông
Sóng cách mạng, ào như bão vũ
Súng dân quân, muôn dặm chuyển rung
Cờ đế quốc, trăm thành sụp đổ
Nghìn thu phá nếp quân quyền
Một buổi dựng nên dân chủ”.
Giáo sư Vũ Khiêu luôn đau đáu nỗi niềm tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho non sông Đất nước trường tồn bất diệt |
Thế kỷ 20 đã khép lại với những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Hàng vạn đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do, cho chủ nghĩa anh hùng bất diệt.
Trước tinh thần chiến đấu kiên cường, khí phách xả thân cứu nước của các anh hùng liệt sĩ, Giáo sư Vũ Khiêu đã từng năm, từng tháng, từng ngày ghi lại những cảm xúc, sự xúc động của mình qua những bài văn bia, câu đối tại các tượng đài liệt sĩ, các nghĩa trang suốt dọc đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam.
Những năm tháng đánh Mỹ, Trường Sơn là khúc ruột nối liền Nam-Bắc, luôn quằn quại đau thương, sôi sục căm thù, ngút ngàn khí thế. Trường Sơn huyền thoại chính là biểu hiện rực rỡ nhất của truyền thống Việt Nam: Tinh thần "triệu người như một", "bầu ơi thương lấy bí cùng". Các chiến sĩ Trường Sơn đã thể hiện cao nhất ý chí ấy của dân tộc.
Trong bài văn bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc trên dải Trường Sơn, Giáo sư Vũ Khiêu đã nhấn mạnh truyền thống đạo lý muôn đời của dân tộc Việt Nam:
Như nước Việt Nam ta:
Ðạo làm người sáng rực thái dương
Gương vị nước soi dài thế kỷ.
Theo chân Phù Ðổng diệt thù,
Nối chí Sơn Tinh trị thủy.
Kiên cường chẳng kể gái trai
Tuấn kiệt không phân già trẻ.
Ðánh trống Chí nhân!
Giương cờ Ðại nghĩa!
Xưa ba lần, đánh bại Nguyên Mông
Nay cả nước, sợ gì Pháp Mỹ!
Súng Bốn nhăm vang dội tam kỳ
Cờ tháng Tám tưng bừng tứ phía.
Tuyên ngôn độc lập: vang dội toàn cầu
Ý chí tự do: lẫy lừng thế hệ!
Kiên cường đánh Pháp
Bọn thực dân mất hết lương tâm
Óc tham vọng không còn quốc sỉ.
Ðem vạn quân, từng khiếp nhược bại vong
Ðánh một nước đang tràn đầy dũng khí!
Hai ba tháng chín, miền Nam bừng dậy: vững chí bền gan.
Tháng chạp năm sau, toàn quốc ra quân: đồng lòng hợp ý.
Bác Hồ tin tưởng:
Phát huy tiềm lực thanh niên
Cổ vũ tinh thần chiến sĩ.
Thanh niên xung phong thành lập, đất trời ngang dọc xông pha
Thanh niên xung phong ra quân, Nam
Bắc vẫy vùng khí thế!
Khu căn cứ đêm ngày bảo vệ
Nơi chiến trường xuôi ngược khẩn trương.
Nào chuyển giao đạn dược quân lương
Nào săn sóc thương binh tử sĩ.
Vất vả khôn cùng
Gian lao xiết kể!
Trận Ðiện Biên sấm sét, ta thành công nổi trống reo mừng!
Mộng xâm lược tan tành, Pháp thất bại cuốn cờ lặng lẽ!
Quyết tâm đánh Mỹ
Pháp bại rút lui
Mỹ vào thay thế!
Ðã miền Nam khói lửa hoành hành
Lại miền Bắc đêm ngày phá hủy.
Ðôi bờ Bến Hải chặn lối giao lưu
Một dải Trường Sơn ngăn đường tiếp tế.
Ngăn sao đây? Chồng vợ nhớ thương!
Chặn sao được? Anh em tình nghĩa!
Dầu sôi lửa bỏng, sống chết có nhau
Máu chảy ruột mềm, vui buồn chia sẻ!
Toàn dân kháng chiến, sục sôi tiền tuyến, hậu phương
Tuổi trẻ xung phong, nhộn nhịp nông thôn, thành thị.
Ðây cô sư nữ, quyết tâm cứu nước, trả áo nhà chùa
Kia cặp uyên ương, chắp cánh lên đường, giữa ngày hôn lễ!
Vào hôm nhập ngũ, xóm làng long trọng tiễn đưa
Giữa lúc chia tay, cha mẹ ân cần khích lệ.
Vươn theo nghĩa cả, đặt Ðồng bào Tổ quốc lên trên!
Xếp lại tình riêng, bởi Ðộc lập Tự do là quý!
Quyết liệt với quân thù
Ðây Ðồng Lộc uy linh
Ðây Trường Sơn kỳ vĩ:
Nơi Việt Nam Văn hiến: đánh bại dã man
Nơi Hà Tĩnh anh hùng: đi vào sử ký!
Trùng trùng thử thách, vạn khó cùng băng qua!
Mải miết xông pha, một ngày không kịp nghỉ!
Nào chuyển giao đạn dược quân lương
Nào săn sóc thương binh liệt sĩ.
Nào tháo bom gỡ đạn: tiến hành mọi việc khẩn trương
Nào lội nước bắc cầu: bảo đảm mọi đường tiếp tế.
Theo chủ lực đi vào hỏa tuyến: phút tử sinh chẳng chút ngại ngần
Cùng nhân dân phục vụ tiền phương:
việc dễ khó không hề chậm trễ!
Chiến dịch Hồ Chí Minh:
Ta hành quân: như sấm dậy, sét vang!
Ðịch bỏ chạy: tựa ngói tan, trúc chẻ!
Khúc khải hoàn vang dội Bắc Nam
Cờ giải phóng tung bay trời bể!
Nhìn lại một thời
Bao độ máu xương chinh chiến: hôm nay cả nước thanh bình!
Bao ngày khổ cực gian truân: đến lúc toàn dân khánh hỷ.
Nhìn lại thuở bừng bừng bão tố, tâm hồn dân tộc vẫn vươn cao.
Nhớ lại ngày lớp lớp xung phong, sự nghiệp thanh niên không nhỏ bé!
Hy sinh vì độc lập, tự do
Tiến bộ: cả cá nhân, tập thể.
Chiến tranh là trường học: như lửa thử vàng: luyện đức rèn văn.
Ðánh giặc và sửa mình: như thép đã tôi: tu nhân dưỡng trí.
Vẻ vang thay!
Một thời anh dũng, muôn thuở vinh quang!
Ðức nối tổ tông, gương soi tử đệ.
Hai thời kháng chiến: rực rỡ công lao
Muôn dặm giang sơn: lẫy lừng danh vị!
Muôn thuở vinh quang
Ngày hôm nay:
Ngã ba Ðồng Lộc rộn rã trống chiêng
Một dải Trường Sơn tưng bừng cờ xí.
Hoa ngàn bông, tưởng niệm anh hùng
Hương vạn nén, nhớ thương liệt sĩ.
Chúng tôi nay:
Nặng nghĩa quê hương: xót tình đồng chí.
Hết dạ mến yêu: đầy lòng trọng quý.
Xây ngôi đền: linh khí rạng mười phương
Dựng bia đá: hồn thiêng lưu vạn thế!
Nguyện theo gương cũ, đem tài năng hội nhập toàn cầu
Nối tiếp người xưa, lấy trí tuệ giao lưu quốc tế!
Ðể đồng bào hạnh phúc phồn vinh
Cùng nhân loại hòa bình hữu nghị.
Nơi suối vàng âu cũng an vui
Trái tim đỏ hẳn là mãn ý.
Đọc những tác phẩm văn bia, câu đối, lời minh của Giáo sư Vũ Khiêu viết về các anh hùng liệt sĩ trên mọi niềm của Tổ quốc ta như được cảm nhận rõ ngọn lửa anh linh của các liệt sĩ sẽ rực sáng lên trên bầu trời và khơi dậy chủ nghĩa anh hùng, niềm tự hào dân tộc bất diệt trong mỗi người Việt chúng ta.
Đúng như đồng chí Xuân Thủy đã nhận xét về Giáo sư Vũ Khiêu và những áng văn đầu tiên của ông viết về đề tài tri ân anh hùng liệt sĩ: “Bó mình trong một thể văn cũ, khó khăn và cầu kỳ, tác giả vì có cảm xúc thật nên đã tạo nên những lời có thể cảm động được tới chúng ta. Cái đó chứng tỏ rằng: với bất cứ hình thức nào, người ta cũng viết nên những áng văn có giá trị, miễn là trong tâm hồn có một rung động sâu xa và thành thực”.
Vương Xuân Nguyên