Còn ngày nay, thú chơi nhân văn này đã trở thành một trong bảy nhóm ngành quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà báo Vương Xuân Nguyên, một người có nhiều năm viết về đề tài sinh vật cảnh.
PV: Là một chuyên gia có nhiều năm theo dõi và viết nhiều về lĩnh vực Sinh Vật Cảnh, vậy anh có thể chia sẻ những đặc trưng cơ bản về thú chơi cây cảnh của người Việt xưa kia như thế nào?
Tác phẩm cây cảnh có tên Mâm Xôi Con Gà
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Thú chơi cây cảnh xưa, chủ yếu dành cho giới quan lại thượng lưu, chơi để dưỡng tâm, dưỡng thần, hạn chế dục vọng. Cũng không ít người dùng cây cảnh để tô vẽ thêm cuộc sống giàu sang, quyền thế của mình. Một thú chơi gắn với người có điều kiện kinh tế, địa vị trong xã hội đã được thể hiện phần nào qua thành ngữ “Vua chơi lan, quan chơi trà”.
Thời phong kiến, nghệ thuật chơi cây cảnh từ dân gian đến chốn cung đình ít nhiều chịu ảnh hưởng trường phái cổ điển Phương Đông, bị chi phối bởi các học thuyết đạo đức tư tưởng như: Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo. Theo trường phái này, cây cảnh bất luận loại gì cũng phải mang dáng vẻ của những con vật quý hiếm như: long, lân, quy, phượng, hạc, lộc. Bộ tứ linh long, lân, quy, phượng tượng trưng cho quyền lực, thành đạt, sống lâu, phú quý. Hạc, lộc thể hiện sự phong lưu, tao nhã, hạnh phúc. Mỗi dáng thế của mỗi con vật cũng hàm chứa những hoài bão riêng do nghệ nhân tự tạo, ký thác hoài bão của mình.
Người xưa chơi cây cảnh chú trọng đến 4 yếu tố: nhất hình (dáng), nhì thế, tam chi, tứ diệp. Chính vì vậy, ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 đoạn thân, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương (quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh).
Các nghệ nhân còn sáng tạo nghệ thuật chơi cây cảnh với đặc tính nhân cách hoá cây thành những con vật gần gũi trong thiên nhiên như: nai, ngựa…đến những loài vật có hình tượng như: cá hoá rồng, bộ rễ với nét rồng, thường gặp nhất là thế rồng lên (thăng long), rồng xuống (hạ long, long giáng) hay thế rồng bay hoặc cuồn cuộn cả một đàn rồng mẹ, rồng con (quần long).
Chơi cây cảnh lên đến hoàn thiện khi người xưa lấy 10 cây hoa cảnh dáng thế (thập toàn) tạo thành 3 bộ chính làm cốt lõi cho nghệ thuật cây cảnh. Đó là tứ linh, tứ quý và tam đa. Tứ linh gồm 4 loại cây: đa, sung, sanh, si ứng với tứ hình trong động vật: long, lân, quy, phượng. Đây là những cây gỗ lưu niên cùng họ hàng ruột thịt với nhau, chịu được nắng mưa mà vẫn 4 mùa xanh tươi, nhân giống dễ dàng (giâm, chiết, ghép). Bộ tứ quý gồm: tùng, trúc, cúc, mai ứng với tứ bình, hợp với tứ thời (xuân, hạ , thu, đông) thể hiện ước vọng hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Bộ tam đa gồm 3 loại cây: sung, lộc vừng, vạn thọ, ứng với Phúc – Lộc – Thọ...
Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bên phải) đang giới thiệu những nét đẹp của cây cảnh nghệ thuật với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Thành phố Hà Nội tại Triển lãm thành tựu nông nghiệp diễn ra ngày 21/9/2019, Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô
PV: Vậy những tiêu chí nào để đánh giá một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật đẹp theo quan niệm của người xưa, thưa anh?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Từ Cổ chí Kim, người ta đều thống nhất với nhau trong việc xác định bốn tiêu chí để đánh giá một cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện là: Cổ - Kì – Mĩ – Văn. Dẫu có lúc có nơi có sự khác nhau về cách diễn đạt nhưng đều thống nhất ở nội dung, nội hàm căn bản đó. Tức là một cây cảnh nghệ thuật dù nhỏ, dù to được con người dày công sưu tầm tạo tác phải có được dấu ấn của thời gian, vượt qua được những thăng trầm, thử thách của ngoại cảnh, phải thể hiện được vươn lên không ngừng của nội lực bản thể, phải gắn với những giá trị lịch sử, những giai tầng văn hóa…nghĩa là phải “Cổ”. Kế đến phải đặt những giá trị “Cổ” gắn với nó trong mối tương quan với sự “kì công”, “kì tuyệt” “kì tài” của người thể hiện, tác động ra nó, để cho nó trở nên có hồn, có thần đẹp hơn nó ngoài tự nhiên (Mĩ), có giá trị nhân văn nói lên thông điệp tư tưởng của con người (Văn).
PV: Điểm khác biệt dễ nhận thấy ở thú chơi cây cảnh nghệ thuật xưa và nay là gì?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Ngày nay do điều kiện phát triển về kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội đã đạt được bước tiến dài so với trước đây nên sự giao lưu, trao đổi, phổ biến và hưởng thụ những giá trị về vật chất và tinh thần đã có nhiều biến chuyển theo nhịp sống đương đại. Cây cảnh nghệ thuật là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo nên kết tinh trong nó cả giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể, vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại cũng theo xu hướng đó. Thú chơi nhân văn này, đang trên đà trở thành một ngành kinh tế sinh thái phổ quát tới mọi tầng lớp nhân dân.
Sự giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau dẫn tới có nhiều trường phái chơi cây cảnh nghệ thuật, trường phái cây cảnh cổ điển không còn chiếm địa vị độc tôn. Người ta tìm đến thú chơi này, không chỉ vì tính thẩm mỹ, những giá trị tinh thần mà còn bởi tính thực dụng, những giá trị vật chất từ cây cảnh.
Xu hướng chơi cây cảnh nghệ thuật cũng nhờ đó mà trở nên phóng khoảng hơn, vượt ra khỏi những gò bó về niêm luật, quy tắc cả về chủ đề tư tưởng, phong cách diễn đạt, ngôn ngữ tạo hình đến đối tượng cây cảnh được lựa chọn để chơi. Người ta không bó hẹp thú chơi vào một số loại cây bản địa, cây theo truyền thống mà người ta chơi gần như tất cả các loại cây từ các loại cây: thân, lá, hoa, quả, củ.
Nhà báo Vương Xuân Nguyên đang trao đổi với Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên
PV: Vậy các nghệ nhân ngày nay đánh giá một tác phẩm cây cảnh đẹp dựa vào những tiêu chí nào?
Nhà báo Vương Xuân Nguyên: Một tác phẩm cây cảnh đẹp cũng giống như bất kỳ một tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác. Việc đánh giá chúng rất khó có một khuôn mẫu, thang bậc đo đếm định lượng rõ ràng một cách tuyệt đối tượng. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, những người chơi cây cảnh lâu năm đều thống nhất đánh giá một tác phẩm cây cảnh đẹp, vừa hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, lại thống nhất trong đa dạng sự khác biệt của các trường phái cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài nước được thể hiện trên một số tiêu chí cơ bản sau:
Phô thân – Khoe lá – Lộ căn
Cổ - Linh – Tinh – Tú – Kỹ dăm – Mịn tàn
PHÔ THÂN: Là đường chạy của thân chính mạch lạc rõ ràng thể hiện được ngôn ngữ tạo hình và ý đồ của người tạo tác. Đây là yếu tố “thân pháp” được định hình rõ ở dáng thế cây là “Trực – Xiêu – Hoành – Huyền”, tùy thuộc vào góc độ của cây so với mặt đất. Đây cũng chính là yếu tố dễ quan sát và mang lại cảm xúc nhất đối với người thưởng lãm. Người cơi cây cảnh xưa và nay đều trọng đánh giá cây cảnh ở điểm này và coi đó là “thân thế”, “hồn cốt” của một tác phẩm.
KHOE LÁ: Điểm tô và tạo sức sống cho một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện không thể không bỏ qua đến yếu tố lá trong một cây cảnh. Thiết diện và sự phân bố của yếu tố lá góp phần quan trọng trong việc tôn hoặc hạ thấp giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bộ lá của cây cảnh nghệ thuật phải đanh nhỏ, đồng đều và có màu sắc hài hòa với tổng thể tác phẩm mới “khoe” hết được vẻ đẹp thực sự của một tác phẩm.
LỘ CĂN: Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được thu nhỏ ngoài thiên nhiên vào không gian sống do người tạo tác giới hạn theo ý chí chủ quan của mình bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được những đường nét như ngoài thiên nhiên. Đó là gốc bồ ngọn chỉ, tay cành tỷ lệ hài hòa, mâm rễ nở đều và “lộ căn” phù hợp với dáng thế cây là một yếu tố làm nên sự chỉnh thể của một tác phẩm có sức sống. Đây là yếu tố “gốc rễ” được ví như cội nguồn, tổ tông rất căn bản để gợi cảm về yếu tố không gian, thời gian hội tụ trong một tác phẩm.
CỔ: Cổ lão tự nhiên do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh lại, dáng vẻ phong sương cùng năm tháng. Cũng có thể do con người dùng kỹ thuật lão hóa tác động làm cây trở nên cổ.
LINH: Là cái thần thái biểu lộ cảm xúc, sự lôi cuốn, hấp dẫn; là sức mạnh, sức sống giữ vai trò chủ đạo ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của cây mà qua đó con người có thế đọc được, hiểu được tình cảm, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của vật dù chúng có trìu tượng đến đâu.
TINH: Tinh xảo, tinh tường, tinh hoa...thể hiện sự khéo léo, chắt lọc đến tột cùng cả về mặt chất lẫn lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về ngôn ngữ tạo hình đến bố cục tác phẩm; là thông điệp văn hóa mà con người gửi gắm trong tác phẩm một cách kín đáo khéo léo...thể hiện sự thăng hoa trong cảm xúc kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật.
TÚ: Là sự quái kiệt thể hiện sự công phu, tài nghệ “xuất sắc” khác thường, vượt ra khỏi sự chân phương, khuân khổ vốn có của nó. Tú của cây cảnh nghệ thuật có thể là do con người dùng kỹ thuật tạo ra hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra.
KỸ DĂM: Do thời gian, cây đạt đến sự cổ lão đồng bộ từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn rụt ngắn lại. Kỹ dăm còn thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người nghệ nhân qua năm tháng. Nên chỉ cần nhìn vào độ kỹ của dăm cũng đã đủ để đánh giá sự trân trọng của chủ nhân đối với tác phẩm.
MỊN TÀN: Tàn là độ xèo của cành, tán lá của cây được tạo hình thành những mảng khối tạo sự cân đối cho tác phẩm. Độ mịn của tàn chính là “y phục” điểm tô mang yếu tố chấm phá tạo những nét duyên dáng cho một tác phẩm.
Tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có tên Thụ Lâm Bồng Thạch
Tóm lại, dù theo trường phái nào, muốn cho cây có bộ gốc rễ hấp dẫn, chi nhánh cân đối, có tư thế đạt đến nghệ thuật hoàn hảo thì đều phải cần đến đôi bàn tay tài hoa điêu luyện, óc tưởng tượng phong phú, khiếu thẩm mĩ và lòng kiên trì, sự nhẫn nại bền bỉ của nghệ nhân. Một cây cảnh đẹp rất chú trọng đến bộ gốc, rễ. Từ bộ gốc rễ hài hòa, cân đối có sẵn, người chơi cây cảnh sẽ gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình qua cách tự tạo ra các dáng thế cây.
Cây cảnh nghệ thuật cũng từ đó đòi hỏi sự hài hòa giữa ba yếu tố “phô thân, khoe lá, lộ căn” của tác phẩm tượng trưng cho “Thiên - Địa - Nhân hợp nhất”. Quan niệm về “phô thân” đòi hỏi đã là một cây cảnh nghệ thuật được mọi người trân quý phải có đủ “cốt cách” rõ ràng, hợp quy luật, tỷ lệ…thể hiện ở sự mạnh lạc trong đường chạy của thân chính, cành, chi, dăm, sự hài hòa với những tán lá xanh tươi luôn vươn lên trên để “khoe” sắc hương và một bộ rễ khỏe khoắn với mâm rễ “lộ căn” ụ nổi đầy đặn phân đều các hướng luôn có xu hướng phát triển xuống dưới, bám xâu vào lòng đất thể hiện sự vững chãi trường tồn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!