Ký ức về những ngày tháng bên "cây đại thụ của làng Thông tấn"

30/07/2022 17:55

Với 88 xuân đồng hành cùng dân tộc, hơn 70 năm cầm bút hoạt động báo chí cách mạng, cố Nhà báo lão thành Đỗ Phượng được ví như "Cây đại thụ của làng Thông tấn".

cccccccccccccccccccc-1659009596.jpg

Nhà báo Vương Xuân Nguyên cùng cố Nhà báo lão thành Đỗ Phượng 

"Bác đi trời đất còn thương"

Với những người giúp việc gần gũi, ông như những người thân ruột thịt của họ. Để rồi, sau một năm ông ra đi về với cõi thiên thu vĩnh hằng, họ vẫn bồi hồi thương nhớ khôn nguôi:

Bác đi trời đất còn thương

Mùa thu lá rungjmưa tuôn cả ngày

Thế là từ phút này đây

Bác buông thế sự rẽ mây về trời!

Bao người thương xót bác ơi?

Một đời đức độ một đời hy sinh!

Chẳng lo một chút riêng mình

Gieo nhân gieo nghĩa gieo tình nước non

Một đời cầm bút tay mòn

Một đời suy nghĩ héo hon cả người

Gặp ai bác cũng tươi cười

Gặp ai hoạn nạn bác đều ra tay

Việc Hội chồng chất tháng ngày

Thú vui văn hóa đắm say bao người

Sinh vật cảnh ở muôn nơi

Trăm hoa khoe sắc giúp đời ấm no

Thế rồi số kiếp tròn vo

Người theo Đại tướng chăm lo việc trời!

Nghe tin tay rụng chân rời

Nghĩa tình của bác đời đời khắc ghi!

Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào và vinh hạnh được gần gũi giúp việc cụ gần 20 năm qua. Ngay từ khi học đại học, tôi vinh dự được biết đến cụ qua người cô họ cho đến ngày cuối cùng trước khi cụ ra đi về cõi vĩnh hằng, cụ luôn nghĩ và dành những ưu ái cho tôi như một người thân.

Bao công to việc lớn, những lúc hoạn nạn, khó khăn của tôi bất kể khuya sớm cụ đều đứng ra một mình xoay sở giấu cả chú Khánh, cô Ngân con đẻ của cụ để lo liệu cứu giúp cưu mang tôi như một người chú, người cha người ông trong gia đình! Nhiều người khi biết chuyện khuyên cụ chỉ nên làm vậy với con cháu đứt ruột đẻ ra thôi. Cụ chỉ cười và bảo: "Đừng tào lao nữa, cậu ấy trẻ còn nhiều cơ hội để phấn đấu, giúp cậu ấy qua lúc khó khăn hoạn nạn là lẽ thường".

Còn tôi suốt ngày gần gũi cụ nhưng chỉ để giúp cụ giải quyết các công việc chung của xã hội chẳng khi nào cụ khiến và để cho làm việc gì với riêng cụ dù là nhỏ nhất! Và tôi cũng đã mang lại cho cụ không ít "phiền phức" và chuyện "buồn lòng"...

Ngày nghe tin cụ mất bàng hoàng, đột ngột quá, nỗi day dứt trong lòng và cảm giác tội lỗi vì tôi chưa một ngày làm tròn bổn phận của mình...!

Duyên hiếm có

Nhớ lại những ký ức về những ngày bên cụ, tôi thấy thật hạnh phúc và may mắn khi có cơ duyên được cụ bồi dưỡng đào tạo, giúp đỡ mọi mặt. Gần gũi cụ thân tình đến thấu hiểu cả phong cách của cụ. Lúc vui thì cụ cười, buồn thì cụ vắt tay lên trán, động viên thì cụ bắt tay, đồng ý thì cụ nhìn thẳng, không đồng ý thì nhìn đi chỗ khác, phần nhiều cứ nhìn vào ánh mắt cụ để làm việc, mọi việc luôn "Dĩ hòa vi quý, dĩ công vi thượng, nhẹ nhàng không đao to búa lớn trong mọi việc nhưng khi cần thì cũng quyết liệt đến cùng"... Ít khi cụ nói rõ một việc gì nếu không thật cần thiết, mà đến khi cụ đã nói thì chẳng dám cãi hay làm trái ý cụ!

Mấy ngày trước khi cụ mất, sau khi cụ đọc bài viết của tôi về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam, cụ đã gọi tôi lại căn dặn cẩn thận: "Chú mà còn sống, chú cấm tiệt con không được nói gì về chú là người bạn tri kỉ, là người đồng chí thân thiết, người anh em kết nghĩa của Đại tướng; chú là người giúp việc gần gũi Bác Hồ, "Những chuyện Đỗ Phượng chưa đăng báo" vì giờ chỉ còn anh Đỗ Mười là người còn sống và biết tường tận thôi; chú có nhều chứng minh thư mang bí danh cũng là bút danh Đỗ Phượng do Nhà nước cấp hẳn hoi, chú có nhiều hộ khẩu nhưng không nhận nhà riêng ở bất kỳ đâu theo chế độ và tại sao chú lại nhiều quê, lại mang tên thật rất phụ nữ "Đỗ Kim Phượng"...

Làm cách mạng là phải biết hi sinh, có những việc sống để dạ chết mang theo, không phải vì sợ ai, sợ thế lực nào mà để giữ "Đạo với Bác" con ạ! Chú chỉ bàn giao cho con toàn bộ tài liệu của chú về Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, về Tạp chí Việt Nam Hương Sắc và về tình cảm của chú với hàng triệu anh chị em, bạn bè yêu thiên nhiên, yêu sinh vật cảnh trong và ngoài nước để nhắn nhủ với họ rằng "Sinh vật cảnh là một nhánh cái trong chùm rễ văn hóa dân tộc". Nào ai ngờ, đó lại là lời căn dặn cuối cùng của cụ dành cho tôi và những người bạn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh!

Nghĩ về tình cảm của nhà báo Đỗ Phượng với Bác Hồ, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với Đảng và Nhà nước ra, với Quân đội, với Thông tấn xã Việt Nam, với sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, với Cuộc cách mạng cảnh quan"làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp...làm cho cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện" theo gương Bác Hồ vĩ đại thông qua các hoạt động ở Hội Sinh vật cảnh Việt Nam; với "bao trăn trở về thế trận lòng dân" đến hơi thở cuối cùng vẫn kiên trung tiết liệt của một người Cộng sản chân chính vì nước vì dân quên mình để dâng hiến! Và bao việc riêng nặng nghĩa nặng tình của cụ đối với bao người như chúng con...mà tiếc thương trước sự ra đi của cụ. Một cây đại thụ của làng Thông tấn ngã xuống để lại khoảng trống mênh mông không có gì bù đắp được trên bầu trời và cả trong lòng bao người mến mộ cụ...!

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Ký ức về những ngày tháng bên "cây đại thụ của làng Thông tấn"" tại chuyên mục Tác phẩm. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).