Cuốn sách giới thiệu 103 câu chuyện xúc động về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp

20/10/2021 23:11

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), NXB Hà Nội xuất bản cuốn sách "103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, nguyên phóng viên TTXVN, người có cơ duyên được tháp tùng Đại tướng trong suốt 35 năm, kể từ năm 1976.

Sẽ là điều thiếu sót mỗi khi có thêm một cuốn sách mới về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà không nhắc đến chi tiết lúc sinh thời Đại tướng nhiều lần từ chối làm sách riêng về mình. Có thể kế đến, cuốn sách ảnh đầu tiên với tên gọi "Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân" được Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN lên ý tưởng xuất bản từ những tư liệu của Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004). Nhưng Đại tướng đã khuyên những người thực hiện nên xuất bản một dịp khác để tập trung cho việc chăm lo động viên các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, đồng bào còn nhiều khó khăn thay cho việc làm cuốn sách riêng về Người.

Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng từng ngỏ ý muốn được đọc một cuốn hồi ký do chính Đại tướng viết về mình và những năm tháng cống hiến cho quân đội, cho Đất nước, Đại tướng cũng đã từ chối với lý do rất đỗi giản dị và thuyết phục: "Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, vời đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...".

tran-tuan12-1629192338.jpg

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn đang giới thiệu cho người viết bài này và khách thăm quan về một câu chuyện sau tấm ảnh về Đại tướng tại Triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 12 năm 2010 tại Hà Nội.

Với kho tư liệu ảnh đồ sộ về Đại tướng sau 35 năm tháp tùng và có mặt ở hầu hết các sự kiện vào những năm cuối đời của Người, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn luôn trăn trở việc đưa lại những khoảnh khắc chân thực nhất, đời thường nhất về Đại tướng để đáp ứng lòng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân và bạn bè yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. 

Mãi đến tháng 12 năm 2010, cuộc Triển lãm về những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn được diễn ra ở Hà Nội. Tiếp sau đó, các cuộc triển lãm ảnh “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, Điện Biên...vào năm 2011, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng. Và sau đó đã được xuất bản trong cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” vào năm 2019.

Năm nay, vào những ngày tháng 8 lịch sử này, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn đã lựa chọn ra 103 tấm ảnh tiêu biểu nhất để kể lại những câu chuyện cảm động phía sau mỗi tấm ảnh giúp bạn đọc có thể cảm nhận nhiều góc nhìn khác nhau về vị tướng huyền thoại nhưng rất đỗi thanh cao, bình dị trong cuộc sống đời thường.

bia-mau-1-4-1629189837.jpg

Cuốn sách 103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phía sau những bức ảnh là những ký ức, những khoảnh khắc trở về gợi nhớ về một làng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách nay hơn một thế kỷ vào lúc đất nước còn đang rên xiết dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã sinh ra và hun đúc tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát khao độc lập tự do cho dân tộc của cậu học trò Võ Giáp (tên gọi Đại tướng thời niên thiếu).

Ở tuổi học trò, ông đã tham gia phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên Trường Quốc học Huế, đòi để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu và đã bị thực dân Pháp bắt kết án hai năm tù. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng, hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”…

Đến tháng 6 năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Ngày 22/12/1944, ông được Bác Hồ giao thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ở tuổi 37 ông được thụ phong hàm Đại tướng và lần lượt lãnh đạo quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân đánh thắng hai đề quốc "to" là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu mùa xuân năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 đã đưa Bắc Nam sum họp một nhà, giang sơn nối liền một dải theo đúng di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tổ Quốc hòa bình trên cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khoa học - kỹ thuật, Đại tướng cùng các nhà khoa học từng bước đưa nền khoa học nước nhà từng bước sánh kịp cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.

103-anh-vng-phan-2-137-1-1629193378.jpg

Một trong những tấm ảnh "đắt giá" được nghệ sĩ Trần Tuấn ghi lại khoảnh khắc Đại tướng mang quân phục tươi cười bắt tay Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1997 tại Nhà khác Chính phủ. Trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  vừa bắt tay vừa cúi đầu trước biểu tượng văn hóa trống đồng của Việt Nam 

Những khoảnh khắc ảnh nghệ thuật của Nghệ sĩ, Nhà báo Trần Tuấn cho thấy, tuổi thượng thọ, Đại tướng chưa dành cho mình một phút nghỉ ngơi, sớm sớm rèn luyện sức khỏe, say sưa nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết nghệ thuật quân sự của cha ông, định hình những chiến lược lớn và lâu dài để xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Đại tướng đã viết hơn 10 vạn trang sách tổng kết nghệ thuật quân sự và đường lối chiến tranh nhân dân.

Đồng thời, Đại tướng vẫn dành thời gian đi thăm động viên cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân, đồng bào cả nước, thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho non sông đất nước trường tồn, gặp gỡ bạn bè quốc tế để mở rộng các mối giao bang giữa các dân tộc yêu chuộng hòa bình, sự tiến bộ của nhân loại...

Những khoảnh khắc chân thực đời thường của Đại tướng rất đỗi giản dị, gần gũi với thiên nhiên, quý trọng đồng bào, chiến sĩ như một lẽ sống tự nhiên. Đại tướng chơi piano, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, chụp ảnh, quay phim và không quên tìm cho mình những giây phút an nhiên thiền định...

Trong phòng tiếp khách của Đại tướng luôn rộn vang tiếng cười sảng khoái của bạn bè, đồng đội, người thân, nhân sĩ, trí thức, thường dân, chính khách trong và ngoài nước, kể cả những người từng một thời là đối thủ. Trong mọi hoàn cảnh, Đại tướng luôn lấy chữ "Tâm" làm đầu, lấy chữ "Nhẫn" làm trọng, cân bằng trong tâm thế: "Tri túc tâm thượng lạc. Vô cầu phẩm tự cao" như nội dung câu đối ông treo trang trọng trong thư phòng.

Xúc động nhất là những khoảnh khắc trong những ngày đầu tháng 10 năm 2013 khi về dòng người bất tận, từ nông thôn đến thành thị, nơi biên cương cũng như hải đảo xa và bạn bè khắp năm châu, triệu trái tim như hòa làm một, hướng về Đảo Yến (Quảng Bình) nguyện cầu mong anh linh Đại tướng huyền thoại - người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp ngàn năm yên nghỉ, sống mãi trong ngôi đền linh thiêng của lòng Dân đất Việt trường tồn!

103-anh-vng-phan-2-065-1629193631.jpg

 

103-anh-vng-phan-2-064-1629193655.jpg

Tấm ảnh Đại tướng thăm lại Điện Biên Phủ sau 50 năm và câu chuyện được kể lại bằng tiếng Việt và tiếng Anh là một trong 103 câu chuyện được giới thiệu trong cuốn sách

Điều đặc biệt ở cuốn sách "103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp" khác với những cuốn sách về Đại tướng đã xuất bản là sự hòa quyện giữa ngôn ngữ nhiếp ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật và lối kể chuyện tự sự do chính tác giả ảnh, cũng đồng thời là nhân chứng của những sự kiện lịch sử ấy kể lại. Đó vừa là những khoảnh khắc nghệ thuật đắt giá mang lại cho người xem nhiều cảm xúc, vừa là sự kiện lịch sử chân thực sống động có sức sống với thời gian.

Có thể nói, sau 35 năm theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua những bức ảnh, Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn đã ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn khoảnh khắc quý giá, khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam cũng như lịch sử quân sự thế giới là một huyền thoại hiếm có. Cùng với nhiều cuộc triển lãm ảnh và nhiều cuốn sách ảnh giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn sách "103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Nhà báo, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Tuấn đã góp thêm một tư liệu quý, một góc nhìn độc đáo về vị tướng của nhân dân, danh tướng vì hòa bình, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp!

---

Xin đón đọc 103 câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Chuyên trang Hội Nhập Văn hóa và Phát triển - https://hoinhap.vanhoavaphattrien.vn/

Bạn đang đọc bài viết "Cuốn sách giới thiệu 103 câu chuyện xúc động về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp" tại chuyên mục Tác phẩm. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (a0912563309@gmail.com).