Nếu trong tâm ta an lạc không mắc bận nhiều đến chuyện Tham, Sân, Si hay chuyện cầu vọng hơn thua, đỏ đen...đến chùa là để tri tôn công đức hiền Tổ, báo hiếu ơn sinh thành, vãn cảnh chùa và tìm hiểu đạo pháp để tu tậm hoàn thiện thì nên đi. Nơi linh thiêng thanh tịnh, chứa đựng nhiều giai tầng, giai thoại văn hóa như ở chùa sẽ làm cho tâm ta an thêm an, công quả phúc đức thêm tịnh tiến phát triển.
Ngược lại, trong lòng còn ngổn ngang vướng bận vì những bon chen vị kỷ, tâm chưa hỉ xả, còn toan tính, mưu lợi, xin xỏ vật chất hay tinh thần trốn cửa thiền môn...thì tốt nhất đừng mang những thứ "rác" ấy đến nơi linh thiêng.
Chưa kể đến bây giờ có nhiều cơ sở tâm linh còn chèn vào đó những hoạt động "buôn thần bán thành" và còn bày đặt nhiều lễ nghi trái với giáo lý hiền tổ, đi ngược lại với văn hóa dân tộc để trục lợi. Nếu đến chùa không tỉnh táo cuốn vào những hành vi đó thì chẳng khác nào chúng ta đã để cho người xấu lợi dụng trở thành kẻ đồng phạm tiếp tay xúc phạm tới thần linh, phá hoại nền văn hóa dân tộc sao?
Đi chùa hay không đi chùa suy cho cùng đều có giá trị như nhau. Ở đâu "tâm xuất" phật đều biết và ghi nhận. Nếu tâm ta xuất ra những thứ xấu xa với đại chúng thì dù có đến chùa hay không thì "chính quả" sẽ không bao giờ đạt được và ngược lại.
Nếu Phật ở trong tâm như quan niệm của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do thiền tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng thì "ngôi chùa" mà Phật độ cũng ở chính trong tâm mỗi chúng ta chăng?!
Chúng ta nên thường xuyên lui tới ngôi chùa trong tâm đó để đánh thức những giá trị trong sáng "phật tính" mỗi ngày mỗi giờ. Đừng bỏ quên ngôi chùa linh thiêng ấy trong hành trình học tập rèn luyện và đi tới tương lai. Khi lòng ta không yên thì sống giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh...!
Vương Xuân Nguyên/ Khỏe 365