Tham dự hội thảo có ngài Sẻng Phết Hung Bun Nhuông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và hơn 60 đại biểu là các nhà khoa học, học giả và nhà hoạt động văn hóa lịch sử, đại diện cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Chủ trì hội thảo là GS.TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Văn hoá thể thao tỉnh Ninh Bình; TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội TS KTS và ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.
Theo sử sách cũ ghi lại vào thế kỷ XV, dưới thời vua Lê Thánh Tông, có một vị công chúa nước Lào phiên âm tiếng Việt là Nhồi Hoa đã theo lệnh vua cha đem vài trăm con voi sang và giúp huấn luyện đàn voi cho Đại Việt đánh giặc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về, không may công chúa Nhồi Hoa đã lâm bệnh và qua đời tại khu vực đồi Đền.
Đền thờ công chúa Nhồi Hoa, nước Lào tại Ninh Bình
Ghi nhận công lao to lớn của công chúa, vua Lê Thánh Tông đã cho quân về xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Nơi công chúa yên nghỉ chính là khu vực ở thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan ngày nay. Đền được xây dựng vào thời Hậu Lê, tuy nhiên, hàng trăm năm qua, di tích có nhiều phần mai một và đã được trùng tu nhiều lần. Hiện tại đền còn lưu giữ khá nhiều các hiện vật, các sắc phong, đồ thờ, thời Nguyễn.
Di tích trở thành địa danh văn hóa, tâm linh của nhân dân trong vùng và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2007. Hàng năm nhân dân trong vùng đã tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 3/3 âm lịch với những hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của hai nước Việt - Lào.
Tại cuộc hội thảo, gần 20 báo cáo khoa học được trình bày với các chủ đề về tình hữu nghị Việt - Lào trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến để làm rõ vai trò, công to lớn của công chúa nước Lào đối với nước ta.
Theo các báo cáo khoa học, tình hình xã hội thế kỷ XV, khi đó Vương quốc Lào - Vương quốc triệu voi là quốc gia hưng thịnh có mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng, trong đó có Đại Việt; vai trò của người phụ nữ Lào trong giai đoạn này được đề cao thông qua việc người phụ nữ được tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Để tìm hiểu về rõ hơn về lịch sử, các đại biểu cho rằng phải dùng công nghệ tiên tiến để giám định, đánh giá niên đại của các vật liệu xây dựng, đồ thờ cúng, văn tự còn lại ở di tích. Cùng với đó cần phối hợp với nước bạn Lào để nghiên cứu sâu hơn về văn hóa, lịch sử, niên đại các triều vua nước Ai - Lao, danh xưng của công chúa Nhồi Hoa (bằng tiếng Lào) cũng như sự kiện trao tặng đàn voi chiến năm xưa, giúp Đại Việt chống giặc ngoại xâm. Nhiều ý kiến, trao đổi về Đề án xây dựng "Làng văn hóa, du lịch Việt - Lào tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan". Việc thực hiện đề án sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hiện tại và tương lai về tình hữu nghị lâu đời, gắn bó thủy chung giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào.
GS. TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn Hiến điều hành Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Thị Quý - Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam cho biết, đền thờ công chúa Nhồi Hoa là đền thờ đầu tiên của người nước ngoại tại Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu - người sáng lập quỹ Văn Hiến Việt Nam cũng là người phát hiện ra đền thờ công chúa Lào. Ngay khi phát hiện, GS đã viết thư cho Tổng Bí thư Lào, được Tổng Bí thư Lào ủng hộ công trình nghiên cứu đặc biệt từ thế kỷ XV.
GS. TS Đặng Cảnh Khanh phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
GS Nguyễn Cảnh Khanh - Chủ tịch HĐKH Quỹ Văn Hiến Việt Nam đã nhấn mạnh giá trị nhiều mặt của công trình Đền thờ công chúa Nhồi Hoa trên đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ về thời đại lịch sử đặc biệt và những đóng góp quý báu của công chúa Nhồi Hoa nước Lào đối với đất nước Việt Nam khi đó. Đồng thời Quỹ cũng đã tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng của Đền thờ công chúa Nhồi Hoa tới cuộc sống văn hóa, tâm linh và phong tục tập quán của cư dân địa phương nơi có đền thờ công chúa. Việc nghiên cứu và phục dựng đền thờ công chúa nước Lào tại Ninh Bình sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ hai nước về tình hữu nghị lâu đời gắn bó thủy chung giũa hai dân tộc anh em Việt Lào.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với việc tham gia Hội thảo của các nhà khoa học.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn thông qua Hội thảo, các học giả, nhà khoa học sẽ có nhiều đóng góp, xây dựng, làm rõ, sâu đậm hơn giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư và mối tình bằng hữu bang giao năm xưa. Đồng thời, đánh giá Hội thảo thành công là cơ hội để Ninh Bình có thêm một điểm di tích lịch sử quốc gia, quốc tế, thể hiện tình bằng hữu giữa 2 dân tộc Việt Nam và Lào. Đây cũng là luận cứ khoa học để 2 Đảng, 2 nhà nước và nhân dân đã vun đắp thêm tình cảm “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Đại biểu dự Hội thảo lưu niệm cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa DCND Lào tại Việt Nam
Hội thảo thành công, đề án sớm được phê duyệt là cơ hội để Ninh Bình có thêm một điểm di tích lịch sử xứng tầm của quốc gia và sẽ là Biểu trưng của tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Lào.
Cùng với quần thể danh thắng Tràng An, đền thờ sẽ là một điểm đến đầy ý nghĩa về văn hóa, lịch sử và ngoại giao, đồng thời góp phần sự phát triển du lịch tại Ninh Bình. Sự kết nối giao lưu văn hóa, lịch sử giữa 2 quốc gia ngày một khăng khí sẽ góp phần duy trì, phát huy mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia đời đời bền vững. Khu di tích sẽ là điểm đến văn hóa, du lịch, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương tham gia xây dựng phát triển du lịch.
Một số hình ảnh trong buổi hội thảo và khảo sát thực địa
Tin: Kim Ngân; Ảnh: Hồng Phú