Siêu cây “mâm xôi con gà”
Năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, cây sanh cổ “Mâm xôi con gà” được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật. Chủ nhân của siêu cây này là ông Nguyễn Nam Thành (Việt Trì, Phú Thọ). Cây có chiều cao 1m65, chiều ngang 2m, trọng lượng cả đá khoảng 1 tấn, có tán xòe rộng như mâm xôi, gốc và thân cây nằm trên khối đá nhỏ tạo thành hình gà.
Tác phẩm “Mâm xôi con gà” tạo được sức hút là bởi nó hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” và giống như một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”. Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD, tương đương với 120 tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi choáng váng.
Siêu cây cảnh trị giá 460 tỷ đồng
Từ trước đến nay, những cây cảnh phong thủy với nhiều thế dáng đẹp có trị giá hàng chục tỷ đồng không phải là hiếm. Thế nhưng để đạt đến ngưỡng 20 triệu USD (tương đương 460 tỷ) thì quả là một điều hiếm có.
Được biết, chủ nhân của cây Sanh cổ quần tụ "Nham thạch bách niên" là một doanh nhân bất động sản tại Thanh Hóa. Cận cảnh cây Sanh khủng cho thấy, quần thể cây quý nằm trên một khối đá trong chậu có diện tích 14m2.
Siêu cây thuộc sở hữu của một doanh nhất bất động sản ở Thanh Hóa. Đây là giống cây quý được định giá hàng trăm năm tuổi, 9 thân cây vạm vỡ quần tụ tại 1 gốc trụ tựa 9 con rồng, tay tán bông đĩa đươc chia tỷ lệ hoàn hảo thành 81 bông tán tựa tản vân, phần thân và gốc cây địa y lên toàn thân trắng xoá đã chuyển sang màu đồng nham thạch.
Cây gần như hoá đá với địa y phủ trắng gốc hoàn hảo. Bởi vậy mà ngay khi nhìn thấy siêu cây này, một nghệ nhân người Nhật Bản đã ngỏ ý muốn sở hữu cây với mức giá 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ đồng). Tuy nhiên, chủ nhân của cây cảnh này từ chối không bán vì anh coi đây là bảo vật của gia đình và là niềm tự hào của sinh vật cảnh cần được gìn giữ vào bảo tồn.
"Báu vật" sanh cổ "Tiên lão giáng trần"
Giữa tháng 6/2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô la, trú tại TP.Việt Trì – Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh Tiên lão giáng trần từ ông Nguyễn Văn Chí (Thường Tín, TP.Hà Nội) thu hút sự chú ý của nhiều người yêu cây cảnh.
Sự kiện này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam bởi giao dịch quá "khủng" cũng như tên tuổi của những người tham gia vụ chuyển nhượng này. Trước đó chỉ 4 tháng, cây sanh Tiên lão giáng trần của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội) mới được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí với giá 16 tỷ đồng.
Vị đại gia Toàn đô la xác nhận bản thân đã theo đuổi cây sanh Tiên lão giáng trần từ lâu và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa cây này về bộ sưu tập “cây khủng” trong vườn của mình.
Cây sanh này cao khoảng gần 2m, đặt trong chậu dài 1,5m, cho ra bộ rễ đẹp. Những khối, cục mốc trắng càng làm tăng thêm độ đẹp của cây mà không có công nghệ nào có thể làm ra được, chỉ có cây tuổi đời lâu năm mới có.
Nói về những thương vụ mua cây tiền tỷ, ông Vương Xuân Nguyên -Chánh Văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội -phân tích giá trị của cây cảnh nghệ thuật cần phải nhìn nhận dưới cả góc độ vật thể và phi vật thể.
Với những người am hiểu chuyên sâu và khát khao sở hữu nó thì giá trị của nó sẽ vô cùng, còn với người ít quan tâm và không có cả nhu cầu lẫn điều kiện sở hữu thì giá trị của nó trong nhiều trường hợp sẽ cảm thấy rất mơ hồ, chứ chưa nói đến việc đắt hay rẻ.
Trúc Chi (t/h)