Đặc biệt, ông không chỉ mở đường tư duy phát triển nông nghiệp gắn với thị trường, tư duy chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đi đầu trong những nghiên cứu về phát triển nông thôn bền vững, mà còn là người sớm nghiên cứu về mối quan hệ giữa nông nghiệp với phát triển nông thôn, giữa CNH – HĐH với phát triển nông thôn bền vững và nghiên cứu chuyên sâu về phát huy những giá trị văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán, làng nghề, du lịch nông thôn, quản lý đất đai, kinh tế tập thể, chế biến, thương hiệu nông sản…để góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh ở khu vực nông thôn.
Dấu ấn những công trình
GS.VS Đào Thế Tuấn sinh trưởng trong một gia đình trí thức, dòng họ Đào quê ông ở làng Khúc Thủy thuộc xã Cự Khê huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội. Cha ông, học giả nổi tiếng Đào Duy Anh, mẹ ông là nữ sĩ Trần Như Mân, một nhà giáo hoạt động xã hội suốt đời làm việc thiện. Từ nhỏ, Đào Thế Tuấn đã chịu ảnh hưởng từ truyền thống giáo dục của gia đình: hiếu học, yêu nước và đồng cảm với những người nghèo khốn khó đủ bề trước những biến thiên của xã hội.
Năm 1950, học xong chuyên khoa năm thứ 3 trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa), ông tòng quân phục vụ Bộ Tổng tham mưu. Trên cương vị chính trị viên phó đại đội, ông từng tham gia và lập nhiều chiến công trong chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Tây Bắc...Với những lo toan xây dựng đất nước lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Nhà nước, tháng 9 năm 1953, ông được cử đi học ở Liên Xô, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học.
Tại trường Đại học Nông nghiệp Tashkent. Đào Thế Tuấn đã tham gia vào nhóm nghiên khoa học, ngay trong năm thứ 3 và Chuyên đề “Sinh thái và nguồn gốc cây lúa” của ông đã được Viện Hàn lâm Nông nghiệp nước Nga xuất bản. Từ kết quả xuất sắc đạt được, sau khi học xong đại học, ông đã hoàn thành luận án tiến sĩ, một thành công hiếm có của sinh viên nước ngoài, chỉ với 5 năm vừa học tiếng, học đại học và được nhận bằng tiến sĩ nông học.
Trở về Tổ quốc trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lương thực thực phẩm, đặc biệt là cây lúa được quan tâm hàng đầu. Năm 1965, ông đã đi vào nghiên cứu quần thể cây lúa, thí điểm mô hình thâm canh cây lúa mang lại năng suất cao. Vào cuối thập niên 1970, công trình nghiên cứu của ông đã đặt nền móng cho thâm canh lúa đạt năng suất 10 tấn/ha ở nước ta. Thành công nghiên cứu thâm canh đã thôi thúc ông cùng cộng sự đi vào nghiên cứu cơ sở sinh lý của chọn giống cây trồng chịu chua, mặn, rét, hạn, úng, chống chịu sâu bệnh cao để tạo ra nhiều loại giống lúa đáp ứng được yêu cầu thâm canh trên nhiều vùng sinh thái khác nhau như NN75-10, V18, CN 2, CR 203, V14, V15...
Từ thực tiễn nghiên cứu cho thấy, tính thích ứng cao của cơ cấu cây trồng mới, ông đã đưa được nhiều tiến bộ kỹ thuật vào những vùng sinh thái khác nhau. Thành công của hệ thống canh tác trên từng vùng sinh thái, ông đã tổng kết thành hệ sinh thái nông nghiệp. Công trình này đã trở thành cuốn sách giáo khoa sinh thái học nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ông đã đi vào hầu khắp các tỉnh phía Nam để tiến hành nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng và triển khai những nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp của cả nước sau chiến tranh.
Năm 1977, ông được UBKHKTNN cử làm Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu Sinh vật học và Cách mạng xanh. Đây là chương trình đầu tiên của nước ta về nông nghiệp nghiên cứu về sinh học và chọn tạo giống cây trồng quan trọng cần cho việc phát triển Cách mạng xanh ở Việt Nam.
Đầu năm 1980, ông bắt đầu quan tâm đến tiếp cận hệ thống trong khoa học nông nghiệp. Từ việc nghiên cứu hệ thống ruộng lúa, ông đã tiến lên nghiên cứu hệ thống cây trồng, rồi hệ thống nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi và khu vực dân cư của hộ nông dân. Để phát triển hướng nghiên cứu này, ông đã thành lập một nhóm nghiên cứu sau này trở thành Bộ môn Toán máy tính, đặt ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Nhóm này đã bắt đầu nghiên cứu về các mô hình phát triển, trong đó gắn liền phát triển nông nghiệp với mô hình kinh tế chung, có sự phối hợp các nhân tố kinh tế và xã hội. Cũng cùng thời gian này, ông tham gia vào tổ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo. Trong công việc này đòi hỏi phải nhìn nông nghiệp một cách toàn diện, nên tiếp tục nghiên cứu về các vấn đề chiến lược phát triển, vận dụng mô hình hóa vào việc mô phỏng các chiến lược phát triển.
GS.VS Đào Thế Tuấn sớm nghiên cứu và khẳng định nông nghiệp mang trên nó nhiều chức năng, ngoài chức năng kinh tế, còn chức năng sinh thái, an sinh xã hội, tài nguyên… Nhận thức sản xuất nông nghiệp không chỉ là sản lượng mà là giá trị gia tăng tạo ra, quản lí chất lượng, thương hiệu đã triển khai trong các chương trình nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam từ hơn 30 năm trước.
Trong thời gian từ 1980 đến 1988, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị , ông thường xuyên đi công tác ở nông thôn để nghiên cứu tìm cách đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các thay đổi lớn ở nông thôn trong thời kỳ này cho thấy, muốn đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cần các thể chế thích hợp. Năm 1986 và 1987, ông dự Hội nghị Lúa Quốc tế ở Trung Quốc nên có điều kiện nghiên cứu về cải cách kinh tế ở nước này. Năm 1987, ông viết tài liệu: “Cải cách kinh tế ở Trung Quốc” được UBKHKTNN xuất bản và phát hành rộng rãi. Tài liệu này có tác dụng đến việc ra đời Nghị quyết 10 năm 1988.
Từ 1990 đến 1995, ông làm Phó Chủ nhiệm Chương trình Nghiên cứu về Phát triển Nông thôn KX-08. Trong chương trình này, đã nghiên cứu sự phát triển của kinh tế hộ nông dân, đề xuất các chính sách phát triển kinh tế hộ nông dân. Ông cũng nghiên cứu vấn đề tổ chức nông dân và hợp tác xã kiểu mới, đề xuất các chính sách thúc đẩy việc xây dựng các tổ chức này. Kết quả các nghiên cứu trên được tổng kết trong cuốn: “Kinh tế hộ nông dân, NXB Chính trị quốc gia, 1997”. Cuốn sách này mở ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ việc phát triển kinh tế hộ nông dân.
Từ năm 2000, ông tập trung nghiên cứu việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đề xuất các chính sách và thể chế thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu này. Qua nghiên cứu vấn đề trên đã tạo cơ sở khoa học để xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ông đã tham gia chỉ đạo đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu luận cứ khoa học để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, KC-07-17”. Trong giai đoạn này, ông cũng đã viết và công bố nhiều tài liệu về cơ sở khoa học của việc phát triển nông thôn; đào tạo cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực này. Ông cũng hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học.
Năm 2006, khi đã nghỉ hưu, GS.VS Đào Thế Tuấn cùng các cộng sự thành lập Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu chiến lược phát triển nônh thôn vền vững; xây dựng các mô hình để mô phỏng sự phát triển, đặt cơ sở cho việc phát triển phương pháp nghiên cứu mới và tiếp tục nghiên cứu mối quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường để giúp nông dân giải quyết khó khăn lớn nhất cho sự phát triển kinh tế hộ…
Suốt sự nghiệp khoa học, GS.VS Đào Thế Tuấn đã để lại khoảng 300 công trình nghiên cứu, bài báo được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ trên Thế giới. Tiêu biểu phải kể đến những công trình: Hỗ trợ tổ chức sản xuất nông nghiệp miền Bắc Việt Nam (Nhà xuất bản nông nghiệp, năm 2000); Sinh lý ruộng lúa năng suất cao (xuất bản 1970); Ứng dụng phương pháp mô hình hoá toán học để xây dựng quy trình kỹ thuật trồng lúa cho cấp huyện; Công nghệ sản xuất lúa ở ĐB sông Hồng; Hệ thống nông nghiệp phát triển bền vững…Theo đánh giá của trên 40 học giả uy tín trong và ngoài nước trong cuốn sách “Đào Thế Tuấn – Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác” thì đó là những nghiên cứu vì sự “phát triển bền vững và tiến bộ của con người”.
Cây đại thụ làng “Tam Nông”
Là một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường quốc tế, GS.VS Đào Thế Tuấn sớm đặt vấn đề hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học để tăng cường trao đổi học thuật, học hỏi kinh nghiệm thế giới. Nghiên cứu về quản lý nông nghiệp ở Đức, Hung, Bungari... ông nhận ra, kinh tế gia đình là xu hướng chung nhưng phát triển khác nhau ở từng nước. Tại Ấn Độ, ông nhận thức rõ hơn về vai trò của kinh tế hộ nông dân ở vùng Punjab. Ở Pháp, Hà Lan và Ý..., ông nghiên cứu và tìm hiểu về hiệu quả của hệ thống trang trại. Ông cũng dành nhiều thời gian khảo sát thực tế ở Indonexia, Thái Lan, Bangladesh…Nhiều nghiên cứu của GS.VS Đào Thế Tuấn bắt nguồn từ những bài học thành công của nước ngoài đã được ông khảo nghiệm và vận dụng vào hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn của Việt Nam đã góp phần định hình tư duy về một nền Nông nghiệp sinh thái – bền vững, Nông thôn hiện đại - đáng sống, Nông dân chuyên nghiệp – văn minh. Ở đó, người nông dân phải thực sự là chủ thể và hệ sinh thái và điều kiện (tự nhiên).
Nặng lòng với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, đổi mới nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; ông đã hoàn thiện công trình nghiên cứu: “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”.
Mở đầu công trình ông đánh giá: “Công cuộc Đổi mới của nước ta thành công nhờ việc quay trở lại nền kinh tế hộ nông dân và kinh tế thị trường. Hiện nay, chúng ta đã chuyển sang một thời kỳ mới, đó là phát triển trong quá trình công nghiệp hóa. Trong giai đoạn phát triển mới này, vai trò của nông dân, nông nghiệp và nông thôn giữ một vai trò quan trọng vì nông dân là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường của công nghiệp”.
Vấn đề khiến ông còn nhiều trăn trở đó là, nước ta cũng chưa có một chiến lược công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, trong điều kiện đất ít người đông, quy mô sản xuất nhỏ và năng suất lao động nông nghiệp đang còn rất thấp. Theo ông, một chiến lược công nghiệp hoá hoàn chỉnh, phải bao gồm cả công nghiệp hoá nông thôn. Chiến lược CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn cần phù hợp. Để có một chiến lược công nghiệp hoá đuổi kịp các nước đi trước; ông cho rằng, không thể chỉ bắt chước những gì mà các nước đã làm, mà phải xây dụng hệ thống sáng tạo quốc gia, nhằm tập trung được sức lực của các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và hệ thống giáo dục như các nước tiên tiến đang thực hiện.
Muốn công nghiệp hoá có chất lượng cao, ông nhấn mạnh, phải xây dựng được đội ngũ lao động mới với lực lượng chủ yếu là thanh niên nông thôn; không thể để họ phải đi tìm việc làm ở đô thị một cách tự phát như hiện nay. Việc chuyển dân nông thôn ra thành thị và khu công nghiệp, cần tiến hành theo một chương trình được hoạch định như chương trình kinh tế mới trước đây. Trong thực thi, cần tiến hành có quy hoạch và nguồn nhân lực cần được đào tạo trong các chương trình phát triển nguồn vốn con người.
Nhìn nhận về kinh tế - xã hội nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, giáo sư nhận thấy mâu thuẫn chủ yếu hiện nay là khoảng cách giữa nông thôn và thành thị còn lớn. Nếu không tăng được năng suất lao động nông nghiệp thì khó nâng cao thu nhập, khiến nông dân phải rời bỏ nông nghiệp, tự di cư vào các đô thị. Thực tế này, đẩy nông nghiệp vào tình trạng nữ hoá, một số vùng sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả, và ở nhiều vùng lực lượng lao động bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo ông, để giải quyết mâu thuẫn này cần phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa. Phát triển đô thị ở nước ta, diễn ra không theo quy hoạch thống nhất, nên đã đi cùng với đầu cơ ruộng đất và tham nhũng. Đô thị hoá như hiện nay làm cho nông thôn kiệt quệ, có nguy cơ mất an ninh lương thực và mất cơ hội biến nước ta thành một cường quốc nông nghiệp.
Từ nhận định, đô thị hóa ảnh hưởng lớn đến phát triển nông thôn; mặt khác, đất nước còn thiếu một chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn với quá trình phát triển đô thị. Giáo sư đề xuất, muốn giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn phải có một chiến lược thích hợp, theo hướng xây dựng đô thị vừa và nhỏ trên mọi miền đất nước. Quy hoạch đô thị cần đi đôi với quy hoạch nông thôn trong các quy hoạch, như đã được phổ biến rộng ở nhiều quốc gia; không tập trung vào các siêu đô thị, mà xây dựng đô thị trung bình xung quanh có các vành đai nông nghiệp.
Cho dù phát triển theo hướng nào, song cốt lõi là phải đảm bảo phát triển bền vững. Phát triển bền vững được xác định là quản lý và bảo vệ tốt nguồn lợi tự nhiên, hướng vào thay đổi kỹ thuật và thể chế nhằm bảo đảm thỏa mãn nhu cầu con người, cho cả hiện tại và các thế hệ mai sau. Sự phát triển bền vững trong ngành nông - lâm nghiệp và nghề cá là bảo vệ được đất đai, nguồn nước, các nguồn lợi di truyền động/ thực vật; không làm suy thoái môi trường; thích ứng kỹ thuật, có sức sống kinh tế và chấp nhận được về xã hội.
Ông cũng chỉ ra, một nền nông nghiệp bền vững phải đạt các tiêu chí: Bảo đảm được nhu cầu dinh dưỡng của thế hệ ngày nay và mai sau; cung cấp việc làm bền vững, thu nhập đủ, điều kiện sống và làm việc thích hợp cho những người tham gia sản xuất nông nghiệp; giữ vững, và tăng cường khả năng năng suất của nguồn lợi tự nhiên, nguồn lợi tái tạo,...Để giảm bớt tính dễ bị tổn thương của ngành và muốn thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, cần có một cuộc Cách mạng xanh thứ hai, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp năng suất cao nhưng có sức sống về kinh tế và sinh thái, chấp nhận được về mặt xã hội.
Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là nội dung quan trọng để công nghiệp hóa đất nước. Theo ông, công nghiệp hoá nông thôn là phải nâng cao được chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, năng suất lao động trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Để trở thành một nước công nghiệp, mục tiêu chiến lược đặt ra là phải giảm một nửa số lao động nông nghiệp. Muốn vậy, một mặt phải tìm cách để tăng nhanh năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Mặt khác, phải chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, để tạo nhiều việc làm trong khu vực dịch vụ và công nghiệp. Chuyển 50% lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhường lại đất cho các hộ có đủ năng lực tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn; chuyển số lớn hộ sản xuất thành các trang trại gia đình sản xuất hàng hóa. Đây là con đường phát triển của kinh tế hộ nông dân như số đông các nước tiên tiến đang làm. Chuyển đổi các hộ phi nông nghiệp sang các xí nghiệp vừa và nhỏ để xây dựng một khu vực phi nông nghiệp và thị trường nông thôn.
Trong bài báo “Đừng để nông dân thêm yêu thế trong cơ chế thị trường” đăng ngày 30/8/2008, GS.VS Đào Thế Tuấn khẳng định: “Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta hiện nay, về thực chất, là vấn đề phát triển bền vững. Nếu công cuộc Đổi mới của nước ta dẫn đến một sự phân hoá xã hội quá mức, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không bền vững. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là ba vấn đề khác nhau, song, nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể CNH-HĐH đất nước một cách vững chắc được”.
Từ những nghiên cứu thành công đó, ông có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết vào đề án "Tam Nông" của ngành Nông nghiệp. Về sau chính sách về “Tam Nông” đã được Đảng và Nhà nước thể chế hóa tại Nghị quyết số 26/NQ – TW ngày 05/8/2008 về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn và Nghị quyết số 19 – NQ/TƯ ngày 16/6/2022 về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trăn trở về phát triển nông thôn bền vững
Qua những nghiên cứu của GS.VS Đào Thế Tuấn, chúng ta có thể nhận ra những điều trăn trở của ông về sự phát triển nông thôn bền vững, những miền quê đáng sống.
(1) Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng tăng
Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, chủ yếu là khoảng cách về năng suất lao động ngày càng xa nhau trong quá trình Đổi mới. Nếu không tăng được năng suất lao động nông nghiệp thì không tăng được thu nhập khiến nông dân chán bỏ nông nghiệp, tìm cách di cư ra thành thị. Nguyên nhân chủ yếu của mâu thuẫn này là do tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp thấp hơn của công nghiệp và dịch vụ. Lao động nông nghiệp quá dư thừa ở nông thôn, nên không thể tăng năng suất lao động; trong khi công nghiệp và dịch vụ muốn hội nhập được vào nền kinh tế thế giới.
Muốn giải quyết được vấn đề này phải có một chương trình phát triển nông thôn toàn diện. Trong điều kiện Toàn cầu hóa, nhà nước và doanh nghiệp chú ý việc thu hút đầu tư nước ngoài, và đầu tư ở nước ngoài lại hạn chế phương tiện để phát triển địa phương. Đô thị hóa theo hướng phát triển siêu đô thị, việc phát triển nông thôn toàn diện sẽ gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu của chương trình này là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại chỗ, và nâng cao năng suất lao động cùng thu nhập của nông dân. Sự phát triển này sẽ làm giảm chiều hướng tiêu cực của toàn cầu hóa và đô thị hóa đối với nông thôn. Chương trình này phải nhằm nâng cao khả năng của cộng đồng, để tạo được các vùng nông thôn năng động tự khắc phục được các cản trở của sự phát triển.
• Phát triển nông nghiệp hàng hóa bằng cách quản lý ruộng đất để mở rộng quy mô nông trại, đào tạo doanh nhân nông nghiệp để nâng cao sản lượng và năng suất lao động nông nghiệp.
• Phát triển công nghiệp nông thôn bằng cách xây dựng các hệ thống đổi mới quốc gia, từ các cụm công nghiệp làng nghề.
• Phát triển dịch vụ nông thôn bằng cách xây dựng các thể chế thị trường, và du lịch nông thôn.
• Xây dựng khu vực doanh nghiệp mang tính xã hội gồm các nhóm hợp tác và hợp tác xã cùng hệ thống an sinh xã hội nông thôn.
Chương trình này phải bắt đầu từ vùng ven đô, là nơi đang xảy ra quá trình đô thị hóa tự phát và tiến hành phát triển nông thôn đi đôi với phát triển đô thị. Việc phát triển đô thị của nước ta hiện nay đang diễn ra không có quy hoạch, và đi đôi với việc đầu cơ ruộng đất. Nhà nướccần chấm dứt tình trạng này để cứu lấy nông dân và an ninh lương thực.
Đô thị hoá như hiện nay sẽ làm cho nông thôn kiệt quệ, sẽ dẫn đến mất an ninh thực phẩm, sẽ đánh mất cơ hội biến nước ta thành một cường quốc nông nghiệp, nhất là trong tình trạng giá nông sản đang lên cao trên toàn thế giới.
Cần quy hoạch việc phát triển đô thị và nông thôn một cách đồng bộ, dùng đô thị vừa để thúc đẩy việc phát triển nông thôn ở các nước đang xây dựng các quy hoạch đô thị - vùng gắn các đô thị với phát triển nông thôn.
(2) Phải xây dựng một chiến lược công nghiệp hoá phù hợp
Quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam hiện nay đang dựa vào ưu thế cạnh tranh là lao động rẻ, đất rẻ và môi trường rẻ. Nếu giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp và nông thôn thì sẽ không còn các ưu thế cạnh tranh này nữa; do đấy phải tìm một chiến lược công nghiệp hoá mới dựa chủ yếu vào công nghệ mới và tiềm năng trong nước, nếu không thì việc công nghiêp hoá sẽ thất bại.
Trong chiến lược công nghiệp hoá phải bao gồm cả công nghiệp hoá nông thôn, không phải chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài mà không chú ý đến phát huy đến các tiềm năng trong nước thì sẽ không bền vững. Công nghiệp hoá nông thôn chủ yếu phải nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, năng suất lao động của nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Chiến lược công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, hiện đại hoá nông nghiệp phải thích hợp với điều kiện đất ít người đông, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp. Việt Nam có một truyền thống công nghiệp nông thôn do các làng nghề phát triển nên. Hiện nay, ở nhiều nơi đang hình thành các cụm công nghiệp làng nghề rất năng động, tìm ra các hướng hội nhập với nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hoá. Việc phát triển cụm công nghiệp của Việt Nam có nguồn gốc từ mô hình Kẻ Chợ và 36 phố phường.
Theo kinh nghiệm của một số nước tiên tiến, đây là mô hình Hậu Ford (post-fordism) với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụm công nghiệp. Italia là một nước đã công nghiệp hóa từ các làng nghề, và đã chiếm nhiều ngành công nghiệp hàng đầu thế giới. Các cụm công nghiệp của các nước đã phát triển thành các Hệ thống đổi mới quốc gia (National innovation system), với sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu và giáo dục để tìm ra các ưu thế cạnh tranh. Để có thể đuổi kịp các nước đi trước, không thể chỉ bắt chước những gì mà các nước đã làm, mà phải tạo lấy ưu thế canh tranh riêng của mình.
(3) Sự phát triển xã hội không theo kịp phát triển kinh tế
Trong cải cách, sự phát triển xã hội tách rời sự phát triển kinh tế và được thực hiện chậm hơn, nên xã hội nông thôn còn tồn tại nhiều vấn đề:
Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, phát triển kinh tế là phát triển nông nghiệp, còn phát triển nông thôn là phát triển xã hội. Phát triển kinh tế nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, còn phát triển xã hội gắn liền với nâng cao phúc lợi của nông dân. Trong phát triển kinh tế đem lại lợi ích chủ yếu cho doanh nghiệp, còn lợi ích của nông dân không được chú ý đến, dẫn đến tình trạng nông dân chán sản xuất nông nghiệp, muốn đi tìm việc ở đô thị để nâng cao nhanh thu nhập.
Ở nước ta, thiếu các doanh nhân xã hội thì không thể thực hiện được việc cải cách xã hội. Không thể chỉ dựa vào việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện. Cần có một đường lối xã hội hoá công cuộc cải cách kinh tế xã hội, không lẫn lộn xã hội hoá với thị trường hoá và tư nhân hoá. Xã hội hoá là huy động sự tham gia của xã hội, của quần chúng. Việc phát triển xã hội chủ yếu phải dựa vào cộng đồng nông thôn, do đấy phải phát triển các thể chế cộng đồng để tiến hành việc phát triển kinh tế và xã hội. Các mạng lưới an sinh xã hội không thể chỉ giao cho doanh nghiệp phụ trách, vì mục tiêu của doanh nghiêp là lợi nhuận.
Nông thôn còn thiếu mạng lưới an sinh xã hội, trong khi thu nhập tương đối giảm nhanh. Việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội phải gắn liền với hoạt động tương trợ, với các tổ chức nông dân. Nhiều vấn đề như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thiên tai và rủi ro của thị trường thì doanh nghiệp đều từ chối vì không có lãi.
Mục tiêu của Nhà nước trong việc phát triển nông nghiệp là xuất khẩu nông sản, nên giải pháp là chuyên môn hoá, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, trong khi đó nông dân muốn tăng thu nhập chủ yếu phải đa dạng hoá sinh kế.
Vì vậy, cần phải phát triển một khu vực kinh tế mang tính xã hội. Doanh nghiệp của khu vực kinh tế mang tính xã hội, dùng để chỉ các nhóm người (chứ không phải là vốn), giữ một vai trò kinh tế: Các hợp tác xã, các hội tương trợ và hội quản lý. Các tổ chức này mang tính tự nguyện, không lợi nhuận, hợp tác và đạo đức, độc lập đối với nhà nước.
Doanh nghiệp loại này nhằm cung cấp dịch vụ cho hội viên hay tập thể chứ không vì lợi nhuận, tự chủ trong quản lý, quá trình quyết định mang tính dân chủ, coi trọng con người và công việc hơn là vốn trong việc phân phối thu nhập. Kinh tế mang tính xã hội còn được gọi là Kinh tế tương trợ, là toàn bộ các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ góp phần vào việc dân chủ hoá nền kinh tế bằng sự cam kết của công dân ở cấp địa phương cũng như toàn cầu. Kinh tế tương trợ không phải là một khu vực kinh tế, mà là một cách giải quyết toàn cầu bao gồm các sáng kiến trong tấ cả các khu vực kinh tế, đặt ra một mô hình phát triển khác mô hình tư bản chủ nghĩa dựa trên chủ nghĩa tự do hoá mới. Tác nhân của nền kinh tế mang tính xã hội là xã hội công dân và các tổ chức nông dân.
Các tổ chức nông dân có nhiệm vụ phải hỗ trợ hộ nông dân thực hiện Thương nghiệp công bằng, xây dựng mối quan hệ giữa ngưới sản xuất và người tiêu dùng. Thương nghiệp công bằng chú ý hơn đến “đạo đức” kết hợp trong các dịch vụ buôn bán, là một phong trào chống lại các công ty đa quốc gia. Thể chế thị trường nông sản nếu chủ yếu chỉ dựa vào quan hệ nông dân - doanh nghiệp, theo kiểu nông nghiệp hợp đồng thì sẽ dẫn đến sự độc quyền của doanh nghiệp chế biến và lưu thông; và làm cho thương nghiệp không công bằng, vì giá cả do doanh nghiệp quyết định, nông dân không có quyền mặc cả trên thị trường. Muốn giải quyết tình trạng này phải phát triển song song cả các HTX có các hoạt động chế biến và buôn bán, thì việc phân phối thu nhập mới được công bằng. Nguyên nhân chính của thương nghiệp không công bằng là do thiếu thể chế cho phép người sản xuất được tham gia vào quá trình mặc cả để xác định giá, do thiếu các thể chế để thực hiện thương nghiệp công bằng.
GS.VS Đào Thế Tuấn, từng nhấn mạnh: “Có một sự hiểu nhầm rằng, phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là một, và Chính phủ giao Bộ NN-PTNT lo về phát triển nông thôn. Trên thực tế, Bộ này chưa làm được gì nhiều cả. Ngày trước, việc phát triển nông thôn do Bộ máy bên Đảng làm, có Ban Nông nghiệp TƯ lo tất cả các vấn đề về nông thôn như cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, xây dựng nông thôn như thế nào..., được cụ thể trong Chỉ thị 100, Nghị quyết TƯ 10... Bây giờ, đưa nông thôn về Bộ NN-PTNT, trong khi Bộ hầu như chỉ lo phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai, mà lẽ ra phòng chống thiên tai là do Bộ Tài nguyên - Môi trường phải làm. Nên mỗi lần có thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTTN lại phải chạy khắp các địa phương để chỉ đạo, không có thì giờ để lo phát triển nông thôn”.
Hay chia sẻ thẳng thắn của ông với báo chí: “Việt Nam có sự hiểu nhầm về chuyện phát triển nông nghiệp tốt thì phát triển nông thôn tốt vì nông nghiệp đi lên kéo theo nông thôn phát triển. Thực tế không phải như vậy. Nông nghiệp là ngành sản xuất còn nông thôn là lãnh thổ. Hầu như tất cả các bộ, ngành của ta đều có bộ phận lo về nông thôn, như Giáo dục, Y tế rồi LĐ-TBXH... Vậy tại sao lại giao cho một bộ phụ trách cả công việc lớn như vậy?... Hiện nay, trong phát triển nông thôn có hai vấn đề lớn: ruộng đất và lao động, nhưng Bộ NN-PTNT lại không được quản lý”.
GS.VS Đào Thế Tuấn đã đi xa chúng ta được hơn 10 năm, những vẫn còn đó những tiếng nói gan ruột của về vấn đề “Tam Nông”, trong đó nhấn mạnh những trăn trở về phát triển nông thôn bền vững – đáng sống còn được các thế hệ học trò của ông trích dẫn nhiều luận điểm khoa học được ông nêu qua các công trình để phản biện cho việc xây dựng chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đặt ra với cuộc sống hôm nay.
Nhìn lại suốt chặng đường phát triển và những dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chúng ta càng thấy rõ hơn những cống hiến to lớn của những nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, GS.VS Đào Thế Tuấn được đánh giá là Nhà khoa học nông nghiệp uyên bác lỗi lạc, cây đại thụ của làng “Tam Nông” Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp thiết thực, có tầm nhìn chiến lược về “phát triển nông thôn bền vững” ở nước ta./.
PGS.TS.VS Đào Thế Anh; TS. Lê Thành Ý; ThS. Vương Xuân Nguyên
Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO
Link nội dung: https://vuongxuannguyen.vn/gsvs-dao-the-tuan-nhung-tran-tro-ve-phat-trien-nong-thon-ben-vung-o-nuoc-ta-a240.html