Cuộc đời hoạt động sôi nổi với những dấu ấn tự hào của đồng chí Nguyễn Văn Trân đã truyền tỏa tấm gương về một người cộng sản kiên trung, bất khuất, đạo đức cách mạng sáng ngời, niềm tự hào của quê hương, đất nước, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, người thân đến những người làm công tác Sinh Vật Cảnh cả nước.
Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi của đồng chí Nguyễn Văn Trân, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội viết: "Chúng ta vừa cảm phục, vừa trân trọng, yêu mến một người cộng sản chân chính, suốt đời một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao phó rất nhiều trọng trách, đương đầu với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng con người đồng chí luôn ánh lên tấm lòng kiên trung, bất khuất, giữ bản lĩnh vững vàng, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ; tác phong công tác khoa học, tư duy nhạy bén, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân; luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Với những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Việt Nam gần 30 năm qua không bao giờ quên những cống hiến quên mình của đồng chí Nguyễn Văn Trân. Cùng với đồng chí Đỗ Phượng và các vị lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã có công đưa hiện thực hóa cuộc cách mạng cảnh quan, thiên nhiên và môi trường sinh thái do Bác Hồ phát động thông qua phong trào Tết Trồng cây cách đây gần 60 năm về trước.
Đến nay cả nước có hơn 4 triệu lao động trong nhóm ngành này và hàng năm đã góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD. Giá trị xuất khẩu nhóm ngành rau, hoa, quả, cây cảnh đã vượt giá trị xuất khẩu dầu thô. Năm 2016 là 2,4 tỷ USD, năm 2017 là 3,6 tỷ USD, năm 2018 ước đạt trên 4 tỷ USD và dự báo đến năm 2020 đạt giá trị xuất khẩu gần 10 tỷ USD. Ngày 12/4/2018, Chính phủ chính thức công nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành nghề kinh tế phát triển nông thôn tại Nghị định số 52/2018/NĐ - CP.
Nhớ năm 2002, sau khi ra trường người viết bài này vinh dự được về Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam giúp việc đồng chí Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch Trung ương Hội và đồng chí Đỗ Phượng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội. Cậu sinh viên mới ra trường rất băn khoăn rằng tại sao một tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam lại hội tụ nhiều chính khách, nhà chính trị lão thành, nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tên tuổi đến thế?
Những băn khoăn của tôi được Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Trân giải đáp: "Bác Hồ và các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối ở đâu cũng quan tâm đến việc phát huy lối sống hòa đồng với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh của ông cha ta. Cuối năm 1959, Bác Hồ đã phát động phong trào Tết Trồng cây. Đây là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trương sinh thái trong lành góp phần làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Sinh Vật Cảnh được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả những giá trị văn hóa, kinh tế, môi trường, khoa học, nhân sinh, xã hội...Chính vì lẽ đó, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp...và thế hệ của các bác đều gương mẫu làm theo Bác như một lẽ tự nhiên".
Hôm đó, Chủ tịch Hội Nguyễn Văn Trân đang hứng khởi kể lại chuyện ra đời của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam bỗng thấp thoáng nét buồn hiện lên khóe mắt khi ông kể về người thợ tỉa cây cảnh đã giúp ông và ba đồng chí của mình vượt ngục và về Hà Nội an toàn.
Với ông Sinh Vật Cảnh còn là duyên mệnh rất lớn. Tháng 5-1940, ông bị thực dân Pháp xét xử, kết án 10 năm tù khổ sai. Tháng 7 năm 1940, bác bị đưa lên nhà ngục Sơn La. Ngày 3-8-1943, chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức cho ông và ba đồng chí là: Nguyễn Lương Bằng (Sao Đỏ), Nguyễn Tuấn Đáng (tức Trần Đăng Ninh), Lưu Đức Hiểu vượt ngục...
Ít ai biết cuộc vượt ngục ngoạn mục và về tới Hà Nội an toàn lại nhờ người thợ tỉa cây cảnh...Nhờ một người thợ tỉa cây mà ông và các đồng chí của mình có giấy thông hành đi đường an toàn. Cũng vì dẫn lối chỉ đường này mà cả gia đình anh cắt tỉa cây cảnh bị liên lụy.
Từ đó, ông cho rằng: Nếu mỗi chúng ta có tinh thần dân tộc trong sáng, thiết tha yêu quê hương đất nước thì đến một anh cắt tỉa cây cảnh cũng có thể trở thành những người anh hùng có ích cho xã hội. Ông luôn trân trọng mọi sáng tạo của người lao động và tìm cách động viên họ hoàn thành khát vọng của mình.
Trên cương vị Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam rồi Chủ tịch Danh dự của Hội, ông luôn quan tâm sâu sát về tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Ông sống giản dị, chân thành, trách nhiệm hết mình với đồng chí đồng nghiệp.
Cách đây 5 năm, ở tuổi 97 trên đường đi họp Quốc hội, ông đã rẽ vào thăm đại tá Nguyễn Ngọc Châu, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Chánh văn phòng Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Thấy đại tá Nguyễn Ngọc Châu cao tuổi phải sống trong căn nhà tập thể đã xuống cấp ở phố Đặng Dung, ông rút điện thoại ra gọi ngay cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị: "Tôi đến thăm anh Nguyễn Ngọc Châu, đại tá, nguyên cán bộ Tổng cục Chính trị. Anh ấy làm Sinh Vật Cảnh cùng tôi và anh Đỗ Phượng một thời gian khá dài. Nay tuổi anh đã cao nhưng phải sống trong căn nhà tập thể xuống cấp quá. Nếu có thể đề nghị anh quan tâm cho anh em sửa chữa lại, xây thêm nhà vệ sinh khép kín ngay tại phòng để sinh hoạt thuận tiện lúc tuổi già...".
Xúc động trước tình cảm và đề nghị chính đáng về người có công với cách mạng, ngay mấy ngày hôm sau, Bộ Quốc phòng cho nhân viên đến sửa chữa nhà cho đại tá Nguyễn Ngọc Châu theo đúng đề nghị của đồng chí Nguyễn Văn Trân.
Hay vào ngày 31/12/2016, gia đình tổ chức mừng khánh thọ lần thứ 100 của ông, ông không quên gọi điện mời nhà báo Đỗ Phượng và một số anh em giúp việc ở Hội đến nhà chơi để vừa ăn cơm vừa trao đổi về công tác Sinh Vật Cảnh trong tình hình mới. Ông cùng nhà báo Đỗ Phượng bày tỏ những niềm vui sau gần 30 năm gắn bó với hoạt động Sinh Vật Cảnh cũng như bày tỏ những trăn trở về nhân tình thế thái.
Hình ảnh một bác Trân chống gậy đi khắp các nẻo đường Tổ Quốc để động viên nhân dân gìn giữ lối sống hòa đồng với thiên nhiên và yêu Sinh Vật Cảnh quý báu của ông cha đã, đang và sẽ là lời hiệu triệu mạnh mẽ bao tâm hồn đồng điệu góp phần tạo nên những mùa xuân đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bên vững.
Vậy mà ngày 07/12/2018, sau hơn một năm nhà báo Đỗ Phượng đi xa, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã vĩnh biệt chúng ta về với Bác Hồ để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Văn Trân, chúng ta nguyện bước tiếp trên con đường và sự nghiệp đồng chí đã đi qua, cũng như góp phần đưa Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi văn hóa của ông cha đến một mỹ tục mới trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh và bền vững thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao.
Người viết này luôn cảm thấy vinh dự tự hào có được những năm tháng trong đời được gần gũi giúp việc đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Đỗ Phượng giai đoạn (2002 - 2017). Còn gì hạnh phúc hơn khi duyên lành đã cho chúng tôi bao năm tháng được gần gũi những cây đại thụ để cảm nhận, học tập và rèn luyện từ thế hệ những người gần gũi Bác Hồ không chỉ giàu bản lĩnh, tài năng mà còn nhân hòa, đức độ hiếm thấy trong cõi nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày:
Bản lĩnh, tài năng cao sự nghiệp
Nhân hòa, đức độ đại thành công.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân, sinh ngày 15.1.1917; quê quán: xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; thường trú tại C2-19 Khu Đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1935; vào Đảng năm 1935. Từ năm 1935 đến cuối năm 1939, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong công nhân ngành in và trong Liên đoàn Công nhân lao động Hà Nội, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương sau đó tham gia Thành uỷ Hà Nội. Từ năm 1940 đến tháng 8.1943, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt giam tại Nhà tù Hà Đông, Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội và Nhà tù Sơn La. Cuối năm 1943, đồng chí trốn khỏi Nhà tù Sơn La trở về Hà Nội, được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách Công vận Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Xứ uỷ và sau đó là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Trân được giao phụ trách, Tổng Biên tập báo Lao Động. Đồng chí là Tổng Biên tập thứ hai của Báo Lao Động, sau đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Sau Hội nghị quốc dân Tân Trào, đồng chí được cử về Hà Nội chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tháng 8.1945, đồng chí làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Cách mạng Bắc Kỳ. Giữa năm 1946, đồng chí làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiêm Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Hà Nội. Từ năm 1947 đến năm 1951, đồng chí làm Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Khu 11 (gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây) rồi làm Bí thư Liên khu uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu 3. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, đồng chí được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng cung cấp Mặt trận rồi làm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính. Cuối năm 1955, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện; Phó Chủ nhiệm thứ nhất Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Tháng 7.1960, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng; được phân công làm Phó Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Năm 1967 đến năm 1974, đồng chí được phân công làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội; năm 1968 kiêm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương; đến năm 1974 kiêm thêm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Năm 1975, đồng chí tham gia Trung ương cục Miền Nam, là Uỷ viên Ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở Miền Nam, Trưởng Ban Cải tạo công thương nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cục. Từ năm 1977 đến năm 1988, đồng chí làm Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; năm 1981 đồng chí kiêm Hiệu trưởng Trường Quản lý Kinh tế Trung ương. Năm 1989, đồng chí được điều động về công tác tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, chuyên trách công tác nghiên cứu chiến lược kinh tế - xã hội. Đồng chí là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ; Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III; Bí thư Trung ương Đảng khoá III; Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII. Từ năm 1989 - 2017, ông là Chủ tịch, rồi Chủ tịch Danh dự Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. |
Vương Xuân Nguyên
Link nội dung: https://vuongxuannguyen.vn/dong-chi-nguyen-van-tran-nguoi-cong-san-trung-kien-a234.html