Cản trở báo chí ở Thái Nguyên: Những đối tượng vẫn bình an vô sự?

Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin ông Tạ Văn Lộc và ông Bùi Thanh Hải ở Thái Nguyên cản trở, lăng mạ báo chí vẫn "bình an vô sự"?

Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin ông Tạ Văn Lộc và ông Bùi Thanh Hải ở Thái Nguyên cản trở, lăng mạ báo chí vẫn "bình an vô sự"?

Dư luận lại xôn xao dấy lên thông tin: Hai nữ nhà báo trong vụ điều tra "bảo kê" chợ Long Biên (Hà Nội) đã bị một số đối tượng đe dọa "giết cả nhà". Sự việc thêm một lần nữa đặt ra câu hỏi: Báo chí nếu không bảo vệ được chính mình thì ai còn đặt niềm tin ở họ?

Phản ánh nạn bảo kê "cướp ngày" tại chợ Long Biên, PV bị đe dọa "giết cả nhà".

Sự hi vọng…trong cay đắng?

Những nhà báo chân chính và đông đảo người làm báo Việt Nam bày tỏ sự đồng cảm với hai nữ phóng viên dũng cảm trong vụ việc trên. Không ít người trở nên "trăn trở" ngậm ngùi khi nghe tâm sự của phóng viên Thu Trang - Trưởng đại diện Báo Phụ nữ TP.HCM tại Hà Nội, người bị đe dọa trong vụ việc chia sẻ:"Chúng tôi đều đang khắc khoải chờ đợi một điều gì đó rất vô hình...đến giờ vẫn chỉ là sự chờ đợi đến vô vọng. Chúng tôi, cho đến thời điểm bị dọa giết cả nhà thế này mà...đến hi vọng cũng mất nốt thì không biết còn nên tin vào điều gì? Nên có lẽ không nên dùng từ...hi vọng. Cay đắng!"

Cũng giống như phóng viên Thu Trang, phóng viên Vương Xuân Nguyên, Báo Đời sống & Pháp luật cũng vấp phải một sự việc "đáng tiếc" tương tự ở Thái Nguyên. Đó là vụ việc ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên trong buổi làm việc với phóng viên theo sự phân công của Văn phòng UBND tỉnh đã công khai lăng mạ báo chí, phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức công vụ ngay trong trụ sở cơ quan công quyền trước sự chứng kiến của nhiều người.

Sau khi đăng bài báo phản ánh Sở Giáo dục - Đào tạo dùng 2 xe công chở cán bộ đi liên hoan để "tọa đàm" mà thực chất là "tri ân" một lãnh đạo Sở đã nghỉ hưu, đúng vào hai ngày cả nước để tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Bài báo ra đời nhận được sự đồng thuận của dư luận bạn đọc. Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và có văn bản ghi nhận và cảm ơn báo đã kịp thời phản ánh trung thực sự việc.

Tuy nhiên, ông Tạ Văn Lộc lại phản ứng dữ dội về bài viết này. Suốt buổi chiều cho đến tận đêm khuya ngày 18/10/2018, ông Lộc đã liên tục gọi điện cho phóng viên de dọa, khủng bố tinh thần bằng điện thoại, đưa ra yêu sách đề nghị phóng viên phải gỡ bỏ bài viết trên.

Khi đe dọa chưa đạt được mục đích, cũng giống như những kẻ "côn đồ" ở Long Biên, ông Lộc đã viết đơn có tính chất vu khống bịa đặt, thậm chí ngụy tạo chứng cứ giả bằng cách cắt ghép nội dung bài báo đã đăng gửi đến các cơ quan chức năng để "hãm hại" phóng viên, buộc tội phóng viên "vi phạm Luật Báo chí năm 2016 và Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Không dừng lại ở đó, đơn bịa đặt của ông Lộc còn được ông Bùi Thanh Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên lợi dụng chức vụ quyền hạn ký văn bản chuyên tới cơ quan chức năng nhằm tạo thêm áp lực xử lý phóng viên.

Vụ việc sai phạm nghiêm trọng nêu trên của ông Tạ Văn Lộc, ông Bùi Thanh Hải những tưởng sẽ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xác minh trả lại sự công bằng cho phóng viên, cơ quan báo chí và sự thượng tôn pháp luật…?! Nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn "im lặng" một cách đáng sợ! Duy chỉ có UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản chỉ đạo Chánh Văn phòng UBND tỉnh xuống làm việc với cơ quan báo chí trên tinh thần chia sẻ, hợp tác, cùng phát triển mà "né tránh" chỉ đạo làm rõ những dấu hiệu sai phạm có liên quan của ông Tạ Văn Lộc và ông Bùi Thanh Hải.

Sau những vụ việc trên, dư luận bày tỏ băn khoăn về việc có hay không sự "chống lưng" bao che cho những người như ông Tạ Văn Lộc và ông Bùi Thanh Hải ở Thái Nguyên, nhóm xã hội đen bảo kê, "cướp ngày" ở Chợ Long Biên đã bất chấp pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng đe dọa và tìm mọi cách để cản trở báo chí?

Có lẽ nào những nhà báo chân chính, dũng cảm một lòng theo Đảng trong cuộc phòng chống tham nhũng, phanh phui tiêu cực, chỉ rõ những cán bộ, suy thoái, biến chất, sai phạm…lại "đơn độc" và chết dần trong "sự hi vọng…cay đắng"…?

Ông Tạ Văn Lộc, Chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên.

Không bảo vệ được chính mình ai còn tin?

Trong bối cảnh Đảng ta đang tích cực tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa 12 chắc chắn những sai phạm nêu trên sẽ được cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm minh theo những quy định hiện hành của pháp luật và kỷ luật của Đảng.

Nhà báo Đỗ Văn Phú đồng tình với quan điểm của nhiều người khi cho rằng: "Thái độ tiền hậu bất nhất, nói năng không đúng mực, có hành vi như khủng bố về tinh thần đối với phóng viên của ông Tạ Văn Lộc và hành vi tiếp tay của ông Bùi Thanh Hải đã vi phạm Điều 17 của Luật Cán bộ công chức".

"Luật Cán bộ công chức Điều 17 qui định văn hóa giao tiếp với dân có quy định về văn hóa ứng xử của cán bộ công chức: phải gần gũi với nhân dân, có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc khiêm tốn, ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mức, rõ ràng, mạch lạc; không được hách dịch cửa quyền gây khó khăn phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ…", nhà báo Đỗ Văn Phú nhấn mạnh.

Còn Luật sư Lê Minh Đức, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Hành vi của ông Tạ Văn Lộc, chuyên viên phòng tổng hợp Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên và ông Bùi Thanh Hải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên cần phải được xem xét nghiêm túc theo khoản 12, điều 9 Luật Báo chí  2016, theo đó quy định nghiêm cấm hành vi "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, PV hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

Luật sư Lê Minh Đức cho biết thêm:"Một số đối tượng khi sai phạm bị báo chí phản ánh đã lợi dụng các môi quan hệ thân thiết tại các cơ quan chức năng gây sức ép lên phóng viên và cơ quan báo chí. Họ lợi dụng đường dây nóng và các kênh tiếp nhận thông tin khác của cơ quan quản lý báo chí để viết đơn phản ánh sai sự thật về quá trình tác nghiệp của phóng viên nhằm cản trở việc tác nghiệp đúng pháp luật của phóng viên và cơ quan báo chí như hành vi của ông Tạ Văn Lộc ở Thái Nguyên…"  

Luật sư Lê Minh Đức cũng bày tỏ sự đồng tình với nhiều luật gia khi phân tích: "Ông Tạ Văn Lộc là chuyên viên phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, khi làm việc theo sự phân công của lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên lại xưng danh là nhà báo. Nếu đây là thẻ Nhà báo thật thì việc ông Lộc sử dụng thẻ này đã vi phạm nghiêm trọng Điều 26 và Điều 27 của Luật Báo chí 2016 quy định về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo. Thẻ Nhà báo sử dụng trái phép này cần được thu hồi…".

Trao đổi với phóng viên, một lần nữa phóng viên Vương Xuân Nguyên, người bị đe dọa, cản trở tác nghiệp ở Thái Nguyên khẳng định: "Cũng giống như hai nữ nhà báo bị đe dọa trong vụ "bảo kê" ở chợ Long Biên, chúng tôi không hề run sợ trước những hành vi "đe dọa", "khủng bố" của những đối tượng có sai phạm, dính lúi đến tiêu cực bị phanh phui kháng cự mà chúng tôi chỉ sợ những hành vi sai phạm đó tiếp tục được bao che, tiếp tay từ những người có trách nhiệm. Báo chí không tự bảo vệ được chính mình thì ai còn tin họ bảo vệ được lẽ phải cho xã hội…?

Chính vì vậy, nếu ông Tạ Văn Lộc và ông Bùi Thanh Hải không công khai xin lỗi và thu hồi lại đơn, văn bản vu khống bịa đặt sai sự thật tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu vi phạm Điều 156, Điều 356 Bộ Hình sự năm 2015 về tội danh "Tội vu khống", "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và Quy định số 102 - QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…"

https://trian.vn/can-tro-bao-chi-o-thai-nguyen-nhung-doi-tuong-van-binh-an-vo/d20200903182453722.htm

Link nội dung: https://vuongxuannguyen.vn/can-tro-bao-chi-o-thai-nguyen-nhung-doi-tuong-van-binh-an-vo-su-a152.html