Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước

Mùa Xuân Kỷ Hợi 1959 cách đây vừa tròn 60 năm, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với tư tưởng là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái làm cho "phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp".

Mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân

Với Bác Hồ, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; lối sống hòa đồng giữa con người với thiên nhiên của người Việt đã được trao truyền bao thế hệ.

Để định hướng về phong trào Tết Trồng cây, Bác Hồ đã có 15 bài viết, bài nói có liên quan. Trong bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc vào ngày 14/9/1958, Bác đã xác định rõ việc trồng cây cũng giống như việc trồng người là việc làm xuất phát từ lợi ích thiết thực trước mắt cũng như lâu dài nhằm phục vụ cuộc sống: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người cho rằng, đó là một nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang.

images5393232-1-1634783266.jpg
Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước

Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân số 2082. Bác Hồ đã chính thức khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây. Ngày 09/5/1961, nói chuyện với nhân dân ở Đảo Cô Tô, Hải Ninh (Quảng Ninh), Người căn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp.

Ngày 20/01/1965, trong bài “Hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Hà Đông, Người viết: “Muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”.

Không chỉ kêu gọi mọi người tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những hành động cụ thể nêu gương cho mọi người làm theo. Năm 1960, Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Năm 1961, Bác Hồ cùng các đại biểu thanh niên Thủ đô đến trồng cây trên công trình lao động làm đẹp Thủ đô tại vườn hoa Thanh niên. Ngày 03/02/1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong Hội trồng cây thống nhất cùng đồng bào huyện Đông Anh. Hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì. Cho đến tận ngày Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người vẫn không quên nhắc đến việc trồng cây: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Trong những bài viết, Bác Hồ nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc "tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, làm cho “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Bác Hồ đã viết Tết trồng cây "cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Điều đó có thể thấy, ý nghĩa của "Tết trồng cây” là hết sức thiết thực và lớn lao. Lời kêu gọi "Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam.

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây, vừa đi thăm và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức "Tết trồng cây”.

Bác nhấn mạnh việc thực hiện “Tết trồng cây” một cách liên tục, bền bỉ và vững chắc thì không chỉ góp phần vào nhiệm vụ phát triển “kinh tế văn hóa” mà còn làm cho “phong cảnh của ta cũng thật sự là non sông gấm vóc, tươi đẹp vô cùng”. Không chỉ có vậy Người còn lưu ý Tết trồng cây có ý nghĩa chính trị to lớn.

Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ "Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, "trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: "Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”. "Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua vừa tròn 60 mùa Xuân. Hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Người, ai ai cũng rất hạnh phúc khi đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Và những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ sum suê trên các đường phố, nẻo đường của các làng bản, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa, đất trời trải qua 50 mùa Xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động đúng đắn cho các thế hệ hôm nay và mãi về sau.

Để góp phần đưa những tư tưởng của Người qua Tết trồng cây lan tỏa những giá trị thiết thực trong cộng đồng, hơn 20 nhà cách mạng tiền bối đã trình bày với Đảng và Nhà nước về việc thành lập Hội Sinh vật cảnh Việt Nam năm 1989. Hội Sinh vật cảnh Việt Nam một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nhận về mình sứ mệnh tiếp tục phát huy ý nghĩa của Tết trồng cây góp phần bảo tồn, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; cải thiện môi trường sinh thái; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Sinh vật cảnh đã là một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao thu hút hơn 4 triệu người lao động góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD hàng năm trong nhóm ngành rau, hoa, quả, cây cảnh…Cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên

Năm 2010, nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Bác Hồ và kỷ niệm 50 năm ngày Tết trồng cây, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Bác Hồ với thiên nhiên và sinh vật cảnh”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các vị nhân sĩ trí thức, đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trình bày nhiều tham luận không chỉ làm sáng tỏ nhiều giá trị văn hóa, kinh tế, chính trị, khoa học, xã hội… của phong trào Tết trồng cây mà còn hệ thống lại quan điểm của Bác về lối sống hòa đồng với thiên nhiên và tầm nhìn vượt thời đại về vấn đề biến đổi khí hậu.

Khi nói đến Bác, chúng ta đều cảm nhận một điều rất sâu sắc đó là sự hòa đồng với thiên nhiên, gần gũi với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, đó như lẽ sống tự nhiên của Bác. Những ai đã từng được nghe, được đọc những mẩu chuyện do Bác kể, những tài liệu do Bác viết, thì ngay từ thuở ấu thơ đến thời trai trẻ ở trong nước đến khi bôn ba khắp các châu lục, cảnh quan thiên nhiên nơi Bác từng sống vẫn ẩn sâu trong tâm trí Bác gắn liền với đời sống con người nơi đó.

Khi ở chiến khu Việt Bắc, lán Bác ở, nhà họp của Bác đều gắn với khung cảnh thiên nhiên nơi đó. Có đất để trồng cây, trồng rau. Ngay bãi bóng chuyền, nơi tập thể dục cũng không ngoại lệ. Khi về Hà Nội, 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã cùng các đồng chí giúp việc xây dựng vườn cây, ao cá thành một bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, môi trường sống trong lành với 1.271 cá thể cây trồng thuộc 161 loài, 54 họ thực vật, 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc nước ngoài, 35 loài cây ăn quả, 59 loài cây bóng mát, 67 loài cây hoa cây cảnh… Những cây xanh nơi đây còn gắn với những giá trị lịch sử, văn hóa, ngoại giao và cả những kỷ niệm về những lần được Bác hướng dẫn chăm sóc, chữa bệnh, uốn tỉa, có hàng cây cau cảnh cao vút chen lẫn các cây cổ thụ như đa, xà cừ, tếch. Các loại cây bóng mát có hoa như phượng vĩ, ô môi, ngọc lan xen lẫn với các loại cây ăn quả. Những khóm tre xanh, tre ngà lồ ô bên các loại cây bụi thấp hơn như muồng, chà là, cây móc, cây cau đẻ. Các loại hoa thân mềm, cây cảnh nổi bật trên thảm cỏ. Tất cả tạo nên màu sắc tươi mát, sự gần gũi của tòa nhà vốn là cơ quan đầu não của Nhà nước.Về nước sau 30 năm xa cách, ta đã biết Bác xúc động thế nào khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương, đất nước. Và rất dễ hiểu khi Pắc Bó hiện lên núi Các Mác, suối Lê-nin. Cảnh sắc thiên nhiên đã được Bác gửi gắm hoài bão, ý tưởng cách mạng của mình. Trong thời gian hoạt động bí mật cũng như trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác đều yêu cầu các đồng chí chọn cho Bác nơi ở và làm việc gần rừng, gần suối và cũng không được xa cách với đồng bào.

Khu Nhà sàn Bác ở hài hòa giữa môi trường sống với vẻ đẹp tự nhiên gần gũi và bình dị như bao làng quê Việt, một bức tranh sơn thủy hài hòa, thể hiện bản sắc văn hóa và lối sống Việt Nam. Vườn cây ăn quả với các loại hoa quả thuộc mọi miền Tổ quốc. Vườn hoa với các loại hoa gần gũi thân thuộc với từng người dân Việt Nam như hoa nhài, hoa mộc. Hàng rào dâm bụt quanh nhà đơn sơ mà gợi nhớ hồn quê Việt. Ao cá được bao bọc xung quanh là hàng bụt mọc, phượng vĩ, hoa sữa, rặng liễu và hàng tường vi đỏ tím... Trong vườn cây có khoảng đất rộng chừng 100 mét vuông được trải sỏi cạnh đường Xoài phía sau Phủ Chủ tịch đồ sộ được bố trí một giàn hoa giấy được gọi là “Giàn hoa Phủ Chủ tịch”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp khách trong và ngoài nước thân tình tại đây vào những ngày đẹp trời. Người coi giàn hoa này như một phòng khách đặc biệt, không bị giới hạn bởi không gian và sự gò bó của những kiến trúc.

Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh vật cảnh là như vậy. Hòa đồng với thiên nhiên không chỉ vì cảnh sắc của thiên nhiên đẹp mà chính vì cần môi trường sống trong lành và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt trong ứng xử với thiên nhiên. Những hàng cây xanh, rừng rậm, bãi sú vẹt, rừng ngập mặn sẽ góp phần làm giảm bớt tai họa của bão lũ, khô hạn, sóng biển, triều cường. Nhất là ngày nay với nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng hiện hữu rõ rệt hơn, chúng ta càng thấy rõ hơn tư duy vượt thời đại của Bác Hồ về thiên nhiên, quan niệm về trồng cây xanh, về cách ứng xử với thiên nhiên của Bác càng gần gũi và thời sự hơn bao giờ hết. Với thiên nhiên, tư duy và cách ứng xử với thiên nhiên của Bác Hồ như trên chỉ có thể hiểu theo tầm nhìn về một nhân cách Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực Sinh vật cảnh càng khẳng định vườn cây, ao cá Bác Hồ có giá trị gắn với tâm hồn, lối sống giản dị của Bác!Chủ tịch Hồ Chí Minh và những di sản văn hóa vĩ đại của Người còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết và diễn giảng về Bác Hồ của chúng ta là một vị lãnh tụ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống hết sức giản dị, giàu lòng nhân ái. Người mang tư duy của tương lai, luôn đi trước thời đại, không chỉ có về triết học, kinh tế, chính trị học mà trước hết là về thiên nhiên. Những năm gần đây trước nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu, các nước trên thế giới và Liên hợp quốc đã đặt ra chương trình mục tiêu trồng hàng tỷ cây xanh, các bạn đã viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra Tết trồng cây từ nửa thế kỷ trước cho nhân dân mình…”.

Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động đã trải qua 60 mùa Xuân đã được nhân dân trên mọi miền Tổ quốc hưởng ứng rất tích cực. Những hàng cây xanh trù phú dọc chiều dài đất nước từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc được nhân dân các thế hệ nối tiếp thi nhau trồng đã thực sự điểm tô cho giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày càng tươi đẹp. Tết trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động đã thực sự trở thành một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Cùng với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện, Tết trồng cây đã góp thêm hương sắc cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững theo di nguyện thiêng liêng của Người:

Mùa Xuân là tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://vuongxuannguyen.vn/bac-ho-voi-tet-trong-cay-nam-ky-hoi-60-nam-ve-truoc-a112.html